Chế tài đối với hành vi bạo lực gia đình

08/10/2018 | 08:46 GMT+7

Bạo lực gia đình là vấn nạn gây nhức nhối cho xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Bạo lực gia đình không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, quyền công dân được luật định. 

Hội viên phụ nữ phường I, thành phố Vị Thanh tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình là gì ?

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Bạo lực gia đình được phân loại thành các nhóm hành vi sau đây: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình; cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ,… kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Cũng theo quy định của luật này, bạo lực gia đình không chỉ được hiểu là những hành vi như đã nêu diễn ra giữa vợ chồng, con cái, mà còn có thể được hiểu là hành vi bạo hành giữa vợ, chồng đã ly hôn và giữa những người chung sống với nhau như vợ chồng.

Vì vậy, khi nhận thấy chồng, chồng cũ hoặc người đang sống cùng như vợ chồng thực hiện các hành vi thuộc những nhóm hành vi nêu trên, bị hại cần nhận thức được rằng mình đang bị bạo lực gia đình và cần phải mạnh dạn lên tiếng để nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi của mình theo đúng quy định pháp luật.

Ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình

Người thực hiện hành vi bạo lực gia đình phải chịu các chế tài: biện pháp ngăn chặn bảo vệ, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài nghĩa vụ kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, bồi thường khi có thiệt hại xảy ra, người thực hiện hành vi bạo lực gia đình có thể bị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc nếu nạn nhân bị bạo lực gia đình gửi đơn yêu cầu đến chủ tịch UBND cấp xã hoặc tòa án yêu cầu áp dụng biện pháp này.

Biện pháp này có nghĩa là cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực tinh thần với nạn nhân.

Để đảm bảo biện pháp cấm tiếp xúc này được thực hiện một cách nghiêm túc thì người đứng đầu cộng đồng dân cư phối hợp với tổ chức có liên quan ở cơ sở để phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.

Mặt khác, người thực hiện hành vi bạo lực gia đình còn có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013. Theo đó, tùy từng hành vi bạo lực gia đình mà mức xử phạt có thể từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi bạo lực có thể bị buộc phải xin lỗi công khai, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trong trường hợp hành vi có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Điều 134); tội hành hạ người khác (Điều 140);… Theo đó, hình phạt đối với các tội này có thể là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn.

Hiện nay, pháp luật quy định khá nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ những nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, bị hại có thể khiếu nại hoặc tố cáo đến UBND hoặc công an để yêu cầu các cơ quan này xử lý đối với hành vi vi phạm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.

Bên cạnh đó, cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do UBND cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi.

10 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 269 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 4 vụ người bị bạo lực là nạn nhân dưới 16 tuổi; trên 90% người bị bạo lực là nữ…

Nguyên nhân là do sự khác nhau về tính cách, suy nghĩ và quan niệm sống giữa các thành viên trong gia đình; do ghen tuông, rượu chè, ma túy và các tệ nạn xã hội; do tư tưởng phong kiến, gia trưởng và bất bình đẳng giới… Đa số trong các trường hợp, người bị bạo lực thường cam chịu, xấu hổ, không mạnh dạn báo tin cho cơ quan có thẩm quyền, do đó rất khó để phát hiện, xử lý kịp thời.  

 

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>