Chế tài đối với tội phạm về an toàn thực phẩm

01/06/2018 | 09:09 GMT+7

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với mỗi gia đình hiện nay, tuy nhiên thời gian qua, chế tài đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực này còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến khó có thể xử lý triệt để. Để khắc phục hạn chế này, pháp luật về hình sự hiện hành đã có những điều chỉnh nhằm tăng tính răn đe hơn đối với các đối tượng vi phạm.

Lực lượng chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh.

Vì sao ít xử lý hình sự ?

Theo báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) của Bộ Tư pháp, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến tình hình VSATTP ở nước ta trong thời gian qua phức tạp là do hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật hình sự về VSATTP còn nhiều bất cập, hạn chế, chế tài chưa đủ răn đe.

Cụ thể, tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng, bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù từ 7 đến 15 năm”.

Tuy nhiên, theo quy định trên, yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm về VSATTP. Mức độ “nghiêm trọng” được thể hiện ở chỗ “gây thiệt hại cho tính mạng” hoặc “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng”. Song vì hầu hết các loại hóa chất, chất kháng sinh có trong thực phẩm bẩn đều gây ảnh hưởng về lâu dài, chứ không gây chết người ngay nên cơ quan chức năng rất khó có thể xử lý hình sự đối tượng vi phạm.

Bên cạnh đó, quy định về phạm tội gây hậu quả “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 244 cũng không có văn bản hướng dẫn chi tiết, nên phần lớn các vi phạm về VSATTP chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức (Nghị định 178/2013) chứ không thể khởi tố vụ án hình sự.

Với mức xử phạt như vậy, có thể thấy chế tài xử phạt là khá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Điều này cũng dễ hiểu, bởi việc kinh doanh, mua bán và vận chuyển thực phẩm bẩn mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng vi phạm sẵn sàng bỏ ra số  tiền để nộp phạt khi bị phát hiện, xử lý, rồi sau đó tái phạm. Một điểm đáng chú ý nữa là Bộ luật Hình sự trước đây chỉ áp dụng với cá nhân nên trong trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không thể thực hiện được.

Chế tài chặt chẽ hơn

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đặt ra các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực VSATTP chặt chẽ và khả thi hơn.

Cụ thể, Điều 317 về tội “Vi phạm quy định về VSATTP”: Người nào thực hiện một trong các hành vi như sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy; sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm,… sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (hình phạt cao nhất áp dụng đối với tội danh này là 20 năm tù).

Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, chứa hóa chất độc hại với giá trị từ mức quy định hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính trước đó mà vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự mà không cần có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như trước đây. 

Ngoài ra, ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Với những thay đổi này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, có hại cho người tiêu dùng trong thời gian tới.

Đ.B tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>