Chế tài về hành vi ô nhiễm môi trường trong Bộ luật Hình sự

20/04/2018 | 08:50 GMT+7

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có nhiều quy định mới, xử lý nghiêm hơn đối với các vi phạm về môi trường.

Đoàn kiểm tra liên ngành về môi trường tỉnh tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường tại một doanh nghiệp.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, các tội phạm trong nhóm về môi trường được quy định thành một chương riêng với 12 điều, tương ứng với 12 tội danh cụ thể, gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; hủy hoại nguồn lợi thủy sản; hủy hoại rừng,…

So với trước đây, nhóm tội phạm về môi trường đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn, cụ thể là bổ sung một điều mới tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông tại Điều 238. Cùng với đó, 3 điều được chỉnh sửa về lỗi kỹ thuật, 7 điều được chỉnh sửa về mức độ hành vi phạm tội và mức hình phạt được xác định cho từng hành vi.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Với việc quy định chủ thể của tội phạm là pháp nhân đã tạo ra tính tương thích giữa pháp luật hình sự và pháp luật hành chính hiện nay. Tuy nhiên, việc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân (Điều 74, Điều 75).

 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 9/12 tội trong nhóm tội phạm môi trường như các tội: Gây ô nhiễm môi trường; vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; hủy hoại nguồn lợi thủy sản; hủy hoại rừng… Đối với 3 tội: Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật, thì chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là cá nhân.

So với Bộ luật Hình sự năm 1999, các hành vi phạm tội về môi trường trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sắp xếp hợp lý, quy định chi tiết hơn. Cụ thể, các tội phạm môi trường đều dẫn chiếu tới việc điều chỉnh các hành vi nhằm đáp ứng quy định của các công ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, bộ luật đã nhập hai tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 là tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và tội hủy hoại rừng thành tội hủy hoại rừng tại Điều 243.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự hiện hành đã có những thay đổi cách xác định hình phạt. Theo đó, hình phạt tiền là hình phạt chính được áp dụng chủ yếu đối với các tội phạm môi trường. Mức phạt tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 cao hơn rất nhiều so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Đối với cá nhân phạm tội, hình phạt chính có thể bị áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù với mức cao nhất là 15 năm tù; ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Đối với pháp nhân thương mại, hình phạt chính chỉ áp dụng hình thức phạt tiền với mức thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất là 15 tỉ đồng. Ngoài ra pháp nhân thương mại còn bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực, cấm hoạt động trong một thời hạn, cấm huy động vốn...

Quy định về tội phạm môi trường có nhiều điểm mới nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn cho quá trình áp dụng nếu không có những hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết nhằm đưa luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Đ.B tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>