Công chức tư pháp - hộ tịch: Yêu nghề sẽ làm được

26/03/2019 | 09:02 GMT+7

Nhiều người vẫn nghĩ, công việc của cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch khá nhàn. Hàng ngày, họ ngồi ở bộ phận một cửa tiếp dân, nhận hồ sơ, làm thủ tục và trả hồ sơ. Nhưng có tìm hiểu mới biết, đó là công việc rất vất vả.

Công chức tư pháp - hộ tịch (trái) xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy hướng dẫn thủ tục hộ tịch cho người dân.

Chị Mai Thị Kim Sa, công chức tư pháp - hộ tịch xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Làm công tác hộ tịch hơn 10 năm, tôi thấm nỗi vất vả trong công việc hàng ngày bởi luôn bận rộn và rất nhiều đầu công việc giải quyết”.

Theo chị Sa, mỗi ngày, chị tiếp và giải quyết hồ sơ hành chính của khoảng 50 lượt công dân. Nào là thay đổi, cải chính, điều chỉnh, bổ sung hộ tịch đến sao lục các giấy tờ về hộ tịch, đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân...

Cũng có không ít người dân vì không nắm rõ thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch nên hay bức xúc. Vì vậy, chị Sa tự nhủ phải hướng dẫn chu đáo, giữ thái độ đúng mực với dân để giải quyết công việc hiệu quả. Với những người cao tuổi thường khó tính, lại ngại đọc bảng niêm yết thủ tục, hay đưa ra các câu hỏi nên chị lắng nghe rồi kiên nhẫn giải thích. Rồi rất nhiều tình huống liên quan, ít liên quan mà cán bộ tư pháp - hộ tịch phải xử lý...

“Đôi lúc phát sinh nhiều tình huống khó xử, không ít trường hợp chúng tôi đã viện dẫn đủ văn bản nhưng bà con vẫn chưa bằng lòng, lên gặp trực tiếp lãnh đạo cấp trên, thậm chí khiếu nại, tố cáo, nhưng phần mình thì phải cố gắng giải thích thấu đáo với bà con”, chị Sa cho biết.

Cùng với việc thường trực tại bộ phận một cửa, công chức tư pháp - hộ tịch hiện nay còn phải đảm nhận công tác chứng thực; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham mưu cho UBND xã ban hành các văn bản quy phạm, tham gia thẩm định, rà soát hệ thống văn bản; hòa giải cơ sở…

Anh Lê Hữu Nghề, công chức tư pháp - hộ tịch xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, nói: “Với số đầu việc nhiều, một số việc đòi hỏi giải quyết ngay trong ngày như chứng thực, hộ tịch… để hoàn thành công việc được giao nên tôi thường xuyên phải làm việc thêm giờ hoặc vào ngày nghỉ. Còn việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thường phải tranh thủ phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong ấp, xã lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp dân”.

Công tác tư pháp - hộ tịch hiện nay khá quan trọng, liên quan đến lý lịch tư pháp, nhân thân của một công dân. Ngoài việc nắm vững kiến thức pháp luật, yêu nghề, đòi hỏi cán bộ này phải làm việc một cách khoa học, cẩn thận, phải khéo léo, cởi mở khi tiếp dân. Đồng thời, cũng cần tỉnh táo, nhạy bén để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật…

Anh Nguyễn Tấn Xuyên, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Đông Phú, huyện Châu Thành, cho biết, đặc thù địa bàn xã có nhiều khu, cụm công nghiệp nên tình hình dân cư tương đối phức tạp. Nếu cán bộ tư pháp - hộ tịch không bám sát địa bàn, thẩm định kỹ lưỡng thông tin từ khu dân cư, khi được đề nghị xác nhận tình trạng hôn nhân, hộ tịch thì rất dễ xảy ra sai sót.

Toàn tỉnh hiện có 147 cán bộ công chức tư pháp, hộ tịch tại các xã, phường, thị trấn... Theo đánh giá của Sở Tư pháp, đội ngũ này cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn (có 135 người có trình độ từ trung cấp luật trở lên, đạt 91,8%).

Tuy nhiên, số đầu việc mà mỗi công chức phải đảm nhận ngày càng nhiều, hệ thống văn bản quy phạm thường xuyên thay đổi, để làm tốt nhiệm vụ được giao đòi hỏi công chức tư pháp - hộ tịch phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cơ bản, chủ động cập nhật văn bản pháp quy. Trong khi hiện số công chức này tuy đạt chuẩn về  chuyên môn nhưng còn hạn chế về nghiệp vụ; chế độ đãi ngộ thấp, họ chưa thực sự tâm huyết với nghề là nguyên nhân dẫn đến chất lượng công tác tư pháp ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết, nâng cao năng lực đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, đòi hỏi phải tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ này đảm bảo đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện, bố trí những cán bộ có đủ tâm, tài đảm nhận nhiệm vụ để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tư pháp, hộ tịch địa phương.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>