Công chứng khác chứng thực như thế nào ?

21/08/2020 | 06:05 GMT+7

Nhiều người lúng túng không biết khi nào thì thực hiện công chứng, khi nào thì chứng thực. Thậm chí, có người còn lầm tưởng giữa công chứng, chứng thực là một. Thực tế, đây là hai thuật ngữ có nội dung hoàn toàn khác nhau.

Người dân đến thực hiện chứng thực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A.

Theo thống kê của Sở Tư pháp, những tháng đầu năm 2020, người dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu công chứng, chứng thực khá cao. Cụ thể ghi nhận trên 170.000 trường hợp chứng thực bản sao từ bản chính, 11.100 trường hợp thực hiện việc công chứng hợp đồng, giao dịch.

Tuy việc công chứng, chứng thực giấy tờ diễn ra khá phổ biến và có quan hệ mật thiết với đời sống, nhưng trong giao dịch dân sự hiện nay, tình trạng nhầm lẫn giữa công chứng và chứng thực vẫn thường xuyên diễn ra. Thậm chí, có rất nhiều người mặc định công chứng và chứng thực là một nên có việc thì đến UBND cấp xã để công chứng giấy tờ.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết, theo các quy định hiện hành, công chứng và chứng thực là hai hoạt động khác biệt, cần có sự phân biệt rõ ràng đối với hai loại hình này. Điều này giúp người dân, tổ chức có được sự lựa chọn chính xác và đảm bảo thực hiện đúng các giao dịch, hợp đồng theo quy định.

Theo khoản 1, Điều 2 Luật Công chứng năm 2014, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng, chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Còn căn cứ Nghị định số 23/2015 của Chính phủ thì chứng thực được hiểu là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cấp bản sao từ bản gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Không chỉ có sự khác nhau về khái niệm, công chứng và chứng thực còn có sự khác biệt rõ về cơ quan thực hiện. Đối với công chứng hợp đồng, giao dịch sẽ do cơ quan bổ trợ tư pháp thực hiện như phòng công chứng, văn phòng công chứng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 1 phòng và 9 văn phòng công chứng. Còn việc chứng thực chủ yếu do cơ quan nhà nước thực hiện như phòng tư pháp, UBND cấp xã, cơ quan đại diện ngoại giao... Tùy từng loại giấy tờ, việc chứng thực sẽ thực hiện ở các cơ quan khác nhau.

Theo bà Lâm Thị Lệ Hoa, Trưởng Văn phòng công chứng Lâm Thị Lệ Hoa, huyện Châu Thành A, về người thực hiện giữa công chứng và chứng thực có những khác biệt nhau. Cụ thể, nếu công chứng là hoạt động do công chứng viên thực hiện (công chứng viên là những người đáp ứng được đầy đủ điều kiện về trình độ pháp lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thâm niên công tác… do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm) thì việc chứng thực sẽ do trưởng phòng, phó trưởng phòng tư pháp hoặc chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã thực hiện.

“Bên cạnh đó, trách nhiệm của người thực hiện việc chứng thực và công chứng cũng hoàn toàn khác nhau. Đối với việc công chứng, công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch được công chứng (chịu trách nhiệm về mặt nội dung - PV) và chịu trách nhiệm cá nhân cả đời về việc công chứng viên đã công chứng”, bà Hoa cho biết.

Còn đối với chứng thực, người thực hiện chứng thực sẽ chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Trong đó, người thực hiện chứng thực sẽ không chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch được chứng thực (trừ trường hợp người thực hiện chứng thực biết rõ ràng là hợp đồng, giao dịch đó trái pháp luật).

Nói thêm về 2 thuật ngữ trên, ông Đồng Việt Phương thông tin thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch đơn giản hơn khá nhiều so với thủ tục về công chứng phải đảm bảo đầy đủ các quy định theo Luật Công chứng. Đồng thời, khi công chứng hợp đồng, người dân cũng sẽ phải chịu mức phí được thu trên cơ sở giá trị tài sản, giá trị khoản vay hoặc giá trị của hợp đồng.

Với việc phân biệt rõ nội dung, hình thức của công chứng và chứng thực sẽ giúp người dân có sự lựa chọn hợp lý trong thực hiện các giao dịch dân sự…

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>