Công tác theo dõi thi hành pháp luật ở một số địa phương

21/09/2017 | 07:41 GMT+7

Công tác theo dõi thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm xem xét, đánh giá thực trạng và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Tập huấn nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật ở tỉnh.

Ngày 23-7-2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 59 về theo dõi thi hành pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác này, trong đó, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và nhân dân được xác định khá quan trọng. Từ khi có Nghị định 59, tình hình chấp hành và theo dõi thi hành pháp luật được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức thực hiện đầy đủ và trách nhiệm.

Hàng năm, lãnh đạo Sở Tư pháp đều đôn đốc, chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức đánh giá thực trạng, hiệu quả việc thi hành pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân đối với các lĩnh vực trọng tâm.

Trong năm 2017, huyện Châu Thành A theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với các lĩnh vực về cư trú, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đăng ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Theo đó, từ ngày 1-10-2016 đến ngày 20-8-2017, ngành chức năng trên địa bàn huyện đã tuyên truyền Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành trên 800 cuộc với 3.500 lượt người tham dự; tuyên truyền cho tất cả doanh nghiệp trên địa bàn huyện về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định về miễn, giảm thuế; về đăng ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất...

Theo ông Hồ Hoàng Ưng, quyền Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, từ đầu năm đến nay, huyện chưa tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Công tác quản lý, cập nhật hồ sơ, sổ sách đảm bảo đầy đủ; niêm yết đầy đủ, công khai các thủ tục hành chính có liên quan và các quy định về thu phí, lệ phí; thông tin về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định.

Còn huyện Phụng Hiệp theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực về nhà ở xã hội và nhà ở cho người có công. Theo cơ quan chuyên môn của huyện, thời gian qua, việc tuân thủ các quy định của tổ chức và cá nhân được thực hiện khá tốt, các văn bản hướng dẫn thi hành cơ bản kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện đúng quy định.

Đơn cử như công tác xây dựng nhà ở cho người có công, nhà ở xã hội luôn được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khảo sát và công khai ra dân bình xét những hộ thật sự khó khăn về nhà ở theo đúng trình tự, thủ tục... Từ đó, huyện đã triển khai xây dựng 1 căn, sửa chữa 4 căn nhà tình nghĩa; giải quyết 10 hồ sơ thương binh, 9 hồ sơ liệt sĩ và người có công với cách mạng còn tồn đọng tại các xã, thị trấn; 5 đơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực người có công.

Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Nguyễn Chí Hùng đánh giá, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, việc thi hành pháp luật ở một số lĩnh vực còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; quá trình thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên. Đó là chưa kể là việc phổ biến, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trực tiếp thực thi công việc chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Do đó, để các quy định của pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, ông Hùng cho rằng: “Cơ quan chức năng cần thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên tất cả các lĩnh vực; kịp thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới phù hợp với thực tiễn, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; chú trọng việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật đến các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân”.

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>