Công tác thi hành án dân sự: Vượt chỉ tiêu, nhưng còn khó khăn

05/12/2018 | 08:28 GMT+7

Năm 2018, ngành thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thực hiện vượt chỉ tiêu được Tổng cục THADS giao.

Một cuộc họp của Ban Chỉ đạo THADS tỉnh tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong công tác THADS.

Nỗ lực thực hiện

Theo Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sơn Duy Oai, trong năm, ngành THADS tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy THADS đối với những án tồn, án có điều kiện thi hành nhưng chậm thi hành, án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng... qua đó đạt nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, trong tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành án năm 2018, Cục và các chi cục THADS trên địa bàn đã thi hành hơn 5.800 việc (đạt tỷ lệ 72,9%) và trên 207 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 46,16%). Trong khi chỉ tiêu Tổng cục THADS giao cho cơ quan THADS tỉnh là 72% về việc và 32% về số tiền trong tổng số vụ việc và số tiền có điều kiện thi hành.

Ngoài việc chú trọng các giải pháp thúc đẩy THADS vượt tỷ lệ về việc, về tiền, năm 2018, ngành THADS tỉnh cũng chú trọng thực hiện các giải pháp khác như: ra quyết định thi hành án đúng thời hạn với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định pháp luật; bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS…

Đáng chú ý là trong thời gian qua, các cơ quan THADS trong tỉnh đã chủ động, tích cực và quyết liệt để thực hiện việc giao tài sản bán đấu giá cho người mua trúng đấu giá. Nhờ đó, nhiều chi cục THADS giao tài sản cho người trúng đấu giá đạt tỷ lệ cao trong các vụ việc đã bán đấu giá thành.

“Năm 2018, chúng tôi cũng rất chú trọng công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, kiểm tra trong nội bộ ngành. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các chi cục, bám sát được tình hình thực tiễn, đề ra các giải pháp, hướng giải quyết hợp lý, đúng pháp luật”, ông Sơn Duy Oai cho biết thêm.

Vẫn còn hạn chế, khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành THADS tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế, tồn tại. Cụ thể như: các án tồn đọng nhiều năm trước đến nay vẫn chưa giải quyết xong; quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn một số vụ việc vi phạm quy trình, thủ tục thi hành án… 

Bên cạnh đó là số lượng việc phải thi hành án thụ lý mới tăng cao cả về số việc, số tiền, trong đó rất nhiều vụ việc có tính chất khó khăn, phức tạp, đương sự luôn tìm cách đối phó, chống đối quyết liệt.

Ông Lý Phương Tùng, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Châu Thành A, cho biết, đối với các vụ việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là các vụ vỡ hụi, số lượng người phải thi hành án nhiều, tài sản ở nhiều nơi khác nhau nên rất khó thi hành; và do ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án trong nhiều vụ việc không cao, không tự nguyện thi hành án, thậm chí khiếu nại nhiều lần nhằm mục đích trì hoãn việc thi hành án.

Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho rằng, hiện nay, trung bình số việc một chấp hành viên phải giải quyết ngày càng tăng là áp lực lớn đối với ngành THADS trong đảm bảo chỉ tiêu cấp trên giao và thi đua trong nội bộ. Đồng thời, một số quy định pháp luật về tổ chức thi hành án vẫn còn bất cập, chồng chéo; sự phối hợp giữa các đơn vị trong xác minh tài sản để thi hành án chưa nhịp nhàng; người bị thi hành án vẫn tìm mọi cách kéo dài việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý...

Theo ông Sơn Duy Oai, một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục khó khăn, hạn chế là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho các chấp hành viên để mỗi chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc án đúng quy trình, đảm bảo vụ việc án phải được xác minh phân loại đúng. Bên cạnh đó, ngành sẽ tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra; nâng cao chế độ trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, chấp hành viên để nâng chất công tác THADS trong năm 2019.

   Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>