Để công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thêm hiệu quả

25/01/2019 | 11:02 GMT+7

Năm 2018, công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các ngành, địa phương thực hiện hiệu quả, góp phần không nhỏ trong ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019 vừa được UBND tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu chia sẻ thẳng thắn về những kết quả đạt được cũng như hạn chế và giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả đối với công tác này thời gian tới.

Ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành: Phải làm tốt việc tiếp công dân

- Châu Thành là huyện tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, do đó, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được xác định là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để làm tốt điều này, ngay từ đầu năm, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải thường xuyên quan tâm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình tiếp nhận và giải quyết, chúng tôi luôn đảm bảo đúng trình tự, thủ tục; đơn không thuộc thẩm quyền sẽ hướng dẫn, chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết; đơn thuộc thẩm quyền của UBND huyện thì ban hành văn bản thụ lý, giao cơ quan chuyên môn thẩm tra, xác minh, báo cáo kiến nghị và ban hành quyết định giải quyết trong thời hạn luật định. Đối với các vụ việc phức tạp thì chúng tôi thống nhất ý kiến, quan điểm giải quyết của tỉnh, huyện và xã nhằm tránh tình trạng ban hành quyết định không khả thi dẫn đến thay đổi, chỉnh sửa hoặc hủy.

Lãnh đạo UBND huyện còn rất quan tâm đến công tác tiếp dân, do đó luôn lên lịch tiếp dân 2 lần/tháng vào thứ tư giữa tháng và thứ tư cuối tháng. Lịch tiếp được niêm yết tại trụ sở tiếp công dân UBND và đăng trên trang thông tin điện tử huyện. Qua tiếp dân, chúng tôi ghi nhận những ý kiến của người dân để phản hồi các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại huyện thời gian qua đã góp phần rất lớn trong giữ vững ổn định an ninh chính trị, kinh tế - xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tôi cho rằng, nếu làm tốt công tác này sẽ tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân đối với những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, qua đó, huy động được sức mạnh của Nhân dân cho sự phát triển huyện nhà.

Ông Lê Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Quyết tâm hạn chế khiếu nại về đất đai

- Năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường thụ lý tổng số 241 vụ việc khiếu nại, trong đó có đến 137 vụ liên quan đến khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Từ những số liệu trên cho thấy, tình hình khiếu nại liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án vẫn còn tồn tại và phát sinh vướng mắc. Trong đó, nội dung các khiếu nại chủ yếu liên quan đến giá bồi thường nhà, đất, công trình, cây trồng, loại đất, diện tích đất và giải quyết hỗ trợ, tái định cư…

Về các nguyên nhân phát sinh, qua quá trình giải quyết khiếu nại, chúng tôi nhận thấy một số nguyên nhân chủ yếu là do công tác kiểm kê thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cơ quan chuyên môn còn sai sót; mức giá áp dụng bồi thường cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất có sự chênh lệch giữa giá bồi thường và giá thị trường; nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách, pháp luật còn hạn chế, có trường hợp hiểu rõ chính sách, song vì quyền lợi nên cố tình không chấp hành…

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề ra một số giải pháp trong thời gian tới. Như trong quá trình giải quyết khiếu nại, lãnh đạo sở sẽ chỉ đạo cán bộ thụ lý khi thẩm tra, xác minh phải cố gắng rút ngắn thời gian xác minh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và đúng quy định. Cùng với đó, Thanh tra sở sẽ xây dựng quy trình thụ lý hồ sơ, trong đó có quy định cụ thể thời gian để thực hiện từng giai đoạn từ khi bắt đầu xác minh cho đến khi có báo cáo UBND tỉnh.

Ngoài ra, sở cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo có căn cứ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp cùng cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong bảo vệ quyền, lợi ích của công dân qua giải quyết khiếu nại.

Ông Trịnh Thanh Bình, Chánh Thanh tra huyện Châu Thành A: Nâng cao hiệu quả xử lý sau thanh tra

- Hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra có một vai trò, vị trí quan trọng trong nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Xuất phát từ tầm quan trọng trên, những năm qua, trong kế hoạch thanh tra hàng năm trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện luôn chỉ đạo xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thanh tra huyện là phải tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là việc thu hồi tài sản vi phạm và xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân vi phạm.

Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã tham mưu tiến hành thu hồi tổng số tiền 965 triệu đồng, trong đó nộp ngân sách nhà nước 479 triệu đồng, trả về các nguồn quỹ trường học và khôi phục quyền lợi công dân 486 triệu đồng; xử lý kiểm điểm 4 tập thể, 24 cá nhân và thi hành kỷ luật đối với 9 cá nhân...

Thời gian tới, để tiếp tục làm tốt công tác này, huyện Châu Thành A đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận xử lý sau thanh tra; gắn trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra cũng như vai trò của lãnh đạo UBND huyện, thanh tra huyện với công tác xử lý sau thanh tra.

Bên cạnh đó, Thanh tra huyện sẽ tham mưu cho cấp ủy có văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác xử lý sau thanh tra đối với cấp ủy đảng và chính quyền; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra bằng các biện pháp như: Việc lập biên bản trong quá trình thanh tra phải chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, căn cứ phục vụ trong quá trình kết luận; việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra phải đảm bảo chất lượng, có nhận xét đúng, sai so với quy định của pháp luật, đồng thời phải đề xuất, kiến nghị có lý có tình, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi. Đối với kết luận thanh tra phải đảm bảo sự chính xác, khách quan, tránh sự áp đặt; các kiến nghị phải đúng quy định và khả thi; nội dung kiến nghị phải nêu rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm thực hiện và thời hạn thực hiện cụ thể.

Đ.BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>