Để hạn chế án dân sự chậm xét xử

13/11/2019 | 07:51 GMT+7

Hiện nay, tình trạng án dân sự quá hạn, chậm xét xử không chỉ vi phạm tố tụng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên liên quan, do đó, cần có những giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này.

Bà Bùi Thanh Hồng, ở huyện Phụng Hiệp, phản ánh đến Báo Hậu Giang việc tòa chậm giải quyết tranh chấp dân sự của bà.

Vừa qua, Báo Hậu Giang nhận được phản ánh của bà Bùi Thanh Hồng, ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp.

Bà Hồng cho biết, năm 2015, bà và người em trai phát sinh tranh chấp đất, sau khi hòa giải tại địa phương không thành thì đến tháng 3-2018, vụ việc được chuyển đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Phụng Hiệp thụ lý. 

Đến ngày 3-3-2019, TAND huyện Phụng Hiệp ra thông báo trả lại đơn khởi kiện cho bà Hồng, sau đó bà bổ sung hồ sơ và tiếp tục gửi lại đơn khởi kiện tại TAND huyện Phụng Hiệp, tuy nhiên, kể từ đó đến nay vụ án vẫn chưa được giải quyết.

“Do chờ đợi lâu nên tôi liên hệ TAND huyện Phụng Hiệp thì được giải thích là vụ việc của tôi sẽ được sớm xét xử, nhưng chờ mãi không thấy gì hết. Tính từ lúc tôi nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp ra tòa đã hơn 2 năm nhưng vẫn chưa biết vụ việc của tôi sẽ đi về đâu?”, bà Hồng bức xúc nói. 

Tương tự, ông Đặng Văn Thâm, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết, ông là đương sự trong vụ án tranh chấp tài sản và vụ án đã được TAND huyện thụ lý năm 2016. Tuy nhiên, gần 3 năm từ ngày có thông báo thụ lý và ông Thâm đã cung cấp đầy đủ chứng cứ, nộp các loại phí theo yêu cầu nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử.

Thực tế công tác xét xử hiện nay, với các vụ án hình sự, việc chậm giải quyết, án để quá hạn gần nhưng rất ít xảy ra bởi các quy định tố tụng chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với án dân sự, những trường hợp như của bà Hồng, ông Thâm do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến vụ việc bị chậm giải quyết.

Theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tranh chấp về thừa kế tài sản… là 4 tháng kể từ ngày thụ lý.

Đối với các vụ án tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; tranh chấp liên quan đến lao động… thời hạn là 2 tháng kể từ ngày thụ lý.

Có thể thấy, tình trạng án dân sự quá hạn xảy ra đã trực tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự vốn được luật pháp bảo vệ, chưa kể là tốn thời gian, công sức theo đuổi vụ án. Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này.   

Cụ thể, theo chia sẻ của một số thẩm phán, nguyên nhân khách quan dẫn đến các vụ việc để quá hạn một phần do nhiều vụ án có tính chất phức tạp, đông người tham gia tố tụng, trong khi số lượng cán bộ, thẩm phán chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thêm vào đó, trong nhiều vụ việc, tòa vấp phải sự không hợp tác của đương sự, như không thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ; nhiều vụ phải chờ kết quả ủy thác, kết quả giám định, định giá tài sản, đặc biệt là việc thực hiện ủy thác tư pháp ở nước ngoài thường gặp rất nhiều khó khăn và chậm có kết quả.

Song song đó, về nguyên nhân chủ quan là do thiếu sự kiểm tra, đôn đốc. Quá trình giải quyết vụ án, nhiều thẩm phán thường lựa chọn những vụ đơn giản để giải quyết trước nhằm đạt chỉ tiêu công tác; những vụ án phức tạp thì chưa chủ động, tích cực để tìm biện pháp giải quyết vì ngại việc án bị hủy, sửa, làm ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm lại….

Để có thể hạn chế thấp nhất án quá hạn, có thể thấy, việc xác định trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với cá nhân thẩm phán trong việc để các vụ án quá hạn do nguyên nhân chủ quan là vấn đề quan trọng.

 Bên cạnh đó, ngành tòa án các địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thụ lý, giải quyết án. Ngoài ra, chính quyền và các cơ quan chuyên môn cũng cần tích cực phối hợp tòa trong quá trình giải quyết các vụ việc để qua đó khắc phục tình trạng án quá hạn, án chậm xét xử, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của người dân.

Theo Quyết định số 120 của TAND tối cao ngày 19-6-2017, thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian 30 ngày khi có một trong những hành vi vi phạm sau: Để từ trên 3 vụ, việc quá thời hạn dưới 6 tháng hoặc 1 vụ, việc trở lên quá thời hạn từ 6 tháng trở lên kể từ ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật nhưng không có lý do chính đáng; ra từ hai quyết định tạm đình chỉ xét xử, giải quyết vụ, việc không có căn cứ; chậm ra bản án, cấp trích lục, giao hoặc gửi bản án không đúng…

Đối với thẩm phán để từ 3 vụ, việc quá thời hạn giải quyết, xét xử theo quy định của pháp luật từ 12 tháng trở lên nhưng không có lý do chính đáng thì chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong thời hạn 12 tháng.

 

Bài, ảnh: Đ.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>