Đối tượng nào phải kê khai tài sản ?

27/12/2018 | 08:52 GMT+7

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu đến tất cả cán bộ, công chức nhưng thu hẹp diện phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm...

Từ ngày 1-7-2019, tất cả cán bộ, công chức sẽ phải tiến hành việc kê khai tài sản, thu nhập. (Ảnh: Công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy).

Tài sản, thu nhập nào phải kê khai ?

Theo Điều 34, Luật PCTN (sửa đổi), người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.

Người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cũng thuộc diện có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

Các loại tài sản, thu nhập nào phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn…

Bên cạnh đó, Luật PCTN (sửa đổi) đã quy định áp dụng phương thức kê khai tài sản, thu nhập phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Theo đó, chỉ người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao (làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác) mới phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.

Việc kê khai của những đối tượng này phải hoàn thành trước ngày 31-12 hằng năm.

Công khai bản kê khai tài sản tại nơi làm việc

Luật PCTN (sửa đổi) quy định rõ, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai hoặc từ các nguồn thông tin khác.

Trường hợp phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai không kê khai, thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan; trường hợp tài sản, thu nhập có biến động tăng thì phải giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

Cũng theo quy định tại Điều 39 Luật PCTN (sửa đổi), bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Đối với bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai thu nhập

Cùng với quy định về kê khai, Luật PCTN sửa đổi cũng sửa đổi chế định về kiểm soát tài sản thu nhập.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước… 

Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ.

Tương tự, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ…

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>