Đóng góp dự thảo Luật An ninh mạng: Có cần thiết ban hành một luật mới ?

12/03/2018 | 05:28 GMT+7

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn tại Hội nghị đóng góp các dự thảo luật do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức vừa qua.

Đại biểu tham gia đóng góp dự thảo Luật An ninh mạng.

Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Sự ra đời của Luật An ninh mạng được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh kinh tế, đời sống xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho rằng, an ninh mạng hơn bao giờ hết đang là chủ đề nóng không những ảnh hưởng đến một vài cơ quan, tổ chức nhỏ lẻ mà còn ảnh hưởng tới nhiều mảng thuộc chính trị, kinh tế.

Do đó, theo bà Nguyễn Thanh Thủy, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết nhằm phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng, khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến bảo vệ an ninh mạng.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, tán thành cơ bản với giải trình về sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng. Ông cho rằng, an ninh mạng hiện nay đang là vấn đề nóng, được xã hội quan tâm, nhất là sau các sự cố gây uy hiếp an ninh nghiêm trọng xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua. Bên cạnh đó, luật ra đời sẽ kế thừa và tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của không gian mạng hiện nay.

Song ông Tâm băn khoăn dự thảo Luật An ninh mạng có nhiều nội dung tương đồng với Luật An toàn thông tin mạng 2015. Do đó, việc ra đời của Luật An ninh mạng có gây chồng chéo, hay chỉ cần mở rộng và bổ sung thêm vấn đề này vào Luật An toàn thông tin mạng và một số luật khác?

Ông Lê Thanh Tâm cũng cho rằng, dự thảo vẫn còn hạn chế do hiện chỉ giới hạn quy định phá hoại, gây gián đoạn hoặc truy cập trái phép máy tính, hệ thống máy tính, hệ thống thông tin, như vậy chưa đầy đủ. Bởi thực tế thiết bị công nghệ sử dụng mạng hiện nay không chỉ có máy tính mà còn có các thiết bị cầm tay, kể cả tivi kết nối internet và thời gian tới sẽ có thêm nhiều công cụ, thiết bị nữa. Vì vậy, cần nói chung là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Đồng tình cao với việc phải ban hành luật, tuy nhiên, ông  Phạm Hoàng Vũ, Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 9, cho rằng không nên quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng đối với các vấn đề tác chiến không gian mạng, phòng chống chiến tranh mạng, vì đây là các vấn đề thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng đã được đưa vào dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Còn theo ông Võ Hoàng Khải, Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, qua nghiên cứu, tại điểm p, khoản 1, Điều 6 dự thảo luật chỉ quy định biện pháp bảo vệ an ninh mạng là khởi tố, điều tra và tuân thủ theo pháp luật về tố tụng hình sự. Quy định như vậy là chưa đủ, bởi lẽ việc xử lý và bảo vệ pháp luật không chỉ dừng lại ở giai đoạn khởi tố, điều tra mà còn là truy tố, xét xử; và việc này cũng đương nhiên phải tuân thủ theo Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó cần phải bổ sung thêm các cụm từ này vào dự thảo.

Ngoài ra, dự thảo quy định “Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát”, theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc xâm phạm bí mật cá nhân của người khác đã là vi phạm pháp luật, nhưng tại dự thảo còn kèm theo điều kiện là người bị xâm phạm phải tự sát thì mới xem là vi phạm pháp luật là chưa phù hợp. “Tôi  đề nghị chỉ quy định là “xâm phạm bí mật cá nhân trái pháp luật”, ông Khải cho biết.

Bên cạnh đó, đối với điểm h, khoản 1, Điều 9 dự thảo quy định sử dụng không gian mạng để kinh doanh trái pháp luật. Theo một số đại biểu, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ tội danh kinh doanh trái pháp luật. Mặt khác, việc lợi dụng không gian mạng để phạm pháp hình sự là rất phức tạp và đa dạng, không chỉ riêng hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc được liệt kê tại Điều 9, do đó chỉ cần quy định “Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” là đủ.

Qua nhiều đóng góp của đại biểu, bà Nguyễn Thanh Thủy đồng tình và đánh giá cao các ý kiến của đại biểu đối với dự thảo luật, bà cho biết các ý kiến tại hội nghị sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp để trình bày tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Dự thảo Luật An ninh mạng do Chính phủ trình và được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa qua.

Theo đó, dự thảo gồm 7 chương, 51 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và nguyên tắc, nội dung, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý và tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

 

ĐÌNH BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>