Đóng góp dự thảo Luật Thi hành án hình sự: Đảm bảo các quyền của phụ nữ và trẻ em

06/12/2018 | 08:14 GMT+7

Vừa qua, tại Hậu Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trong cán bộ hội dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Nhiều quy định liên quan đến quyền, lợi ích của phạm nhân nữ và trẻ em được đại biểu đóng góp tích cực. 

Đại biểu tham gia góp ý cho dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) tại hội nghị.

Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vừa được trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV có 16 chương, 232 điều. So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh một số lĩnh vực về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; quy định về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Bên cạnh đó, một số vấn đề trong dự thảo luật được các cấp hội phụ nữ quan tâm là quy định liên quan đến phạm nhân nữ đang chấp hành án phạt tù; chế độ ăn cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng bố, mẹ; thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố...

Đóng góp ý kiến dự thảo luật, đại diện Hội LHPN Việt Nam huyện Châu Thành A cho rằng, quy định liên quan đến trẻ em theo cha, mẹ đi chấp hành án, cần bổ sung vào điểm a, khoản 3, Điều 50 dự thảo về quy định trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng bố, mẹ trong trại giam “được hưởng chế độ ăn dựa trên nhu cầu thực tế của trẻ và đảm bảo dinh dưỡng”. Bởi dự thảo quy định trẻ dưới 36 tháng tuổi là con phạm nhân ở cùng bố, mẹ trong trại giam “hưởng chế độ ăn như đối với bố, mẹ”; “ngày 1-6, Tết Trung thu được hưởng chế độ ăn gấp 2 lần ngày thường”.

Theo đại biểu này, quy định như vậy là chưa phù hợp. Vì trẻ trong độ tuổi trên cần được ăn dựa trên nhu cầu thực tế như các loại thực phẩm, sữa, trái cây… và phải đảm bảo dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi. Khẳng định, chế độ ăn cho những trẻ thuộc diện này không thể định lượng, thành phần dinh dưỡng và quy định cụ thể trong dự thảo “như chế độ ăn của bố, mẹ”.

Cùng đóng góp quy định bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng bố, mẹ trong trại giam, chị Nguyễn Kiều Lan, Hội LHPN Việt Nam thị xã Ngã Bảy, cho biết, khoản 3, Điều 50 dự thảo luật quy định đối tượng trẻ em này được hưởng chế độ ăn như với bố, mẹ, chế độ mặc, nhu yếu phẩm mỗi năm được quy định cụ thể về số bộ quần áo, khăn mặt, xà phòng; Điều 54 quy định khi các em mắc bệnh thông thường được khám và điều trị tại bệnh xá; tiền thuốc cho trẻ em được cấp tương đương với 4kg gạo/tháng…

Tuy nhiên, theo chị Lan, các quy định như vậy chưa phù hợp với lợi ích tốt nhất cho trẻ em; chưa đảm bảo các quyền của các em. Chị Lan nói, đối tượng trẻ em này không phải người phải thi hành án, mà là những trẻ còn rất nhỏ, có hoàn cảnh rất đáng thương. Trong khi Luật Trẻ em chưa xếp các em này vào hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, những trẻ em này cần phải có sự quan tâm đặc biệt, nhất là đảm bảo đúng theo quy định của Luật Trẻ em.

Mặt khác, theo quy định của Luật Trẻ em thì các quyền cơ bản của trẻ em trong trường hợp này cũng phải được đảm bảo, ví dụ quyền được trợ giúp duy trì mối quan hệ và tiếp xúc với cha mẹ, gia đình (Điều 22), thì dự thảo luật cũng phải ghi rõ, ưu tiên quyền của cha hoặc mẹ đến thăm nuôi về số lần và thời gian so đối tượng bình thường. 

 Về chế độ chăm sóc y tế cho trẻ là con của phạm nhân, đa số đại biểu đồng tình quan điểm theo quy định trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Theo các đại biểu dự hội nghị, đối tượng này phải được thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế theo quy định, không nên bó buộc là thực hiện chính sách y tế tại nơi trại giam, không nên quy định khống chế tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho trẻ em được cấp tương đương 4kg gạo/người/tháng.

Ngoài ra, cũng cần xem xét bổ sung quy định các phạm nhân nữ có con dưới 36 tháng tuổi được tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dạy con khoa học để trẻ được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe và phát triển đầy đủ về tinh thần.

Phát biểu tại hội nghị, bà Cao Thị Hồng Minh, Phó Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh trong việc góp ý kiến dự thảo luật. Ban sẽ ghi nhận và có ý kiến gửi Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam để Trung ương Hội có ý kiến, góp phần hoàn thiện để luật được ban hành phù hợp với thực tế.

ĐÌNH BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>