Đóng góp dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi): Bổ sung các hình thức tố cáo là cần thiết

02/04/2018 | 08:31 GMT+7

Ngoài hình thức tố cáo trực tiếp và qua đơn, dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đã bổ sung thêm hình thức tố cáo qua fax, điện thoại và thư điện tử. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đồng tình tại Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) vừa được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức.

Các đại biểu tham gia đóng góp dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tố cáo qua thư điện tử và fax, điện thoại thực chất là phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức mà Luật Tố cáo đã quy định trước đó là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống và trong quản lý nhà nước, do đó, giới hạn hình thức thể hiện của đơn chỉ có văn bản giấy, hình thức tố cáo trực tiếp chỉ là gặp mặt trình bày bằng lời nói như trước đây đã không còn phù hợp.

Nhất trí cao với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Trương Thanh Bình, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho rằng, nếu không chấp nhận các hình thức tố cáo thông qua các phương tiện phổ biến hiện nay như điện thoại, thư điện tử, thì nguồn thông tin tiếp nhận sẽ chưa toàn diện và cũng hạn chế phần nào việc xử lý, ngăn chặn các sai phạm do cán bộ, công chức gây ra.

Tuy nhiên, điều ông Bình băn khoăn là nếu bổ sung hình thức tố cáo thì cần cẩn trọng trong việc xử lý nhằm tránh tình trạng lợi dụng để cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của người bị tố cáo.

 Bên cạnh quy định hình thức tố cáo, về thời hiệu tố cáo, ông Lưu Ngọc Đông, Chánh Thanh tra tỉnh, đề xuất không quy định trong luật, bởi nếu quy định thời hiệu tố cáo sẽ gây xung đột với các luật khác như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Cán bộ, công chức,…

Về thời hạn giải quyết tố cáo, theo ông Đông, Luật Tố cáo hiện hành quy định 60 ngày làm việc là quá dài, chưa phù hợp với xu hướng cải cách hành chính hiện nay. Do đó, nếu quy định thời hạn giải quyết còn 30 ngày làm việc, đồng thời quy định chặt chẽ việc gia hạn bao nhiêu lần, bao nhiêu ngày thì sẽ đảm bảo hơn cho quá trình giải quyết tố cáo.

Bên cạnh đó, tại Điều 50 quy định về cơ quan có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo, các đại biểu cho rằng quy định này chưa cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, chia sẻ: “Dự thảo luật chưa nêu rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính, cơ quan phối hợp trong việc bảo vệ người tố cáo nên sẽ khó khăn khi triển khai các biện pháp bảo vệ. Do đó, nên xem xét và bổ sung cụ thể từng cấp độ an toàn, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm bảo vệ, thời gian bảo vệ để đảm bảo an toàn cho người cung cấp thông tin tố cáo”.

 Ngoài ra, vấn đề về giải quyết tố cáo nặc danh, đa số ý kiến tán thành với dự thảo luật là không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh. Bởi tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật.

Cùng đồng tình với nội dung này, đại diện Công an tỉnh cho biết, nếu tiếp nhận và giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh sẽ gây khó cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xác minh, xử lý thông tin giải quyết tố cáo, gây tốn kém chi phí của Nhà nước, dễ xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để tố cáo tràn lan, sai sự thật...

Tuy nhiên, một số ý kiến nhất trí về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh nhưng luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

Về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo (Điều 12), ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhất trí việc bổ sung trong dự thảo về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác thì tố cáo do người đứng đầu giải quyết. Theo ông Phương, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tố cáo đối các đối tượng này mà pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể.

Được biết, qua các ý kiến đóng góp của đại biểu đối với dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) lần này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ ghi nhận và tổng hợp để trình cơ quan thẩm tra của Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung các nội dung phù hợp vào dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>