Đóng góp dự thảo luật và chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ

13/06/2018 | 09:45 GMT+7

Ở các phiên thảo luận cũng như chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tích cực đóng góp cho dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), kể cả chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vấn đề khiếu kiện đất đai. 

Đại biểu Quốc hội Phạm Thành Tâm (đứng) nêu ý kiến thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), đại biểu Quốc hội, thiếu tướng Phạm Thành Tâm, Phó Tư lệnh Quân khu 9, đồng tình về sự cần thiết sửa đổi Luật Đặc xá và tên của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) mà Chính phủ trình. Đồng thời đề nghị bỏ quy định ở điểm k khoản 2 Điều 10 dự thảo luật về trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chính phủ. Bởi trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước thì tại Điều 21 của dự thảo luật đã quy định Chủ tịch nước quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 10 và Điều 11 của luật này.

Ngoài ra, Điều 21 dự thảo luật quy định trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 10 và Điều 11 của luật này, ông Phạm Thành Tâm cho rằng quy định trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại là chưa thật sự rõ ràng. Cụ thể là về các tiêu chí xác định để Chính phủ và các cơ quan có liên quan tham mưu, trình Chủ tịch nước quyết định.

Mặt khác, theo Báo cáo số 162 ngày 27/4/2018 về tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá, qua 7 đợt đặc xá có tới 1.123 người đang hoãn, tạm đình chỉ chấp hành phạt tù được đặc xá trong trường hợp đặc biệt, trong đó nhiều lần có tới hàng trăm người thuộc diện này được đặc xá. Chưa kể ngoài 7 lần Chủ tịch nước đặc xá nêu trên trong các năm 2014, 2015, 2016, Chủ tịch nước còn quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và một đối tượng đang tạm hoãn đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Qua số liệu trên, ông Phạm Thành Tâm nhận thấy số lượng người được hoãn, tạm đình chỉ, được đặc xá trong trường hợp đặc biệt lớn như vậy đã làm giảm đi ý nghĩa của việc đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho đặc xá thời gian ngắn sẽ gây khó cho cơ quan tham mưu. Vì vậy, cần quy định cụ thể về tiêu chí, xác định như thế nào là “trong trường hợp đặc biệt” để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại cũng như đảm bảo chặt chẽ và làm căn cứ triển khai thực hiện, khắc phục hạn chế số lượng người được đặc xá lớn như thời gian qua.

Đối với khoản 2 Điều 9 dự thảo luật quy định “sau khi quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước được công bố thì được niêm yết tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ”, ông Phạm Thành Tâm kiến nghị bổ sung thêm địa điểm niêm yết quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại “trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi có phạm nhân được đặc xá” để địa phương kịp thời quản lý, theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người được đặc xá không mặc cảm với xã hội, sớm hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định để họ không tái phạm.

Trước đó, ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đã chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về vấn đề khiếu kiện đất đai.

Bởi theo bà Nguyễn Thanh Thủy, thực tế cho thấy công tác quy hoạch chính sách thu hồi đất, công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến khiếu kiện về đất đai chiếm tới tỷ lệ 70%. Do đó bà đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên và khẳng định rõ đến khi nào mới bảo đảm được hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân như chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định, đúng là hiện nay tình hình khiếu nại, tố cáo đang diễn biến phức tạp và trong đó 70% liên quan đến đất đai. Khóa Quốc hội trước đây tồn đọng khoảng 500 hồ sơ khiếu kiện phức tạp, dài ngày đã giải quyết rồi mà vẫn dai dẳng. Thủ tướng vừa rồi đã họp với 27 tỉnh có nhiều khiếu kiện và đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê, tổng hợp lại và báo cáo với Thủ tướng để có lộ trình giải quyết dứt điểm những hồ sơ tồn đọng. Thủ tướng cũng yêu cầu quan tâm việc tiếp công dân để giải quyết nghiêm túc hơn đối với công tác này.

Còn bao giờ đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên trong đền bù, giải phóng mặt bằng thì đòi hỏi phải có cả hai yếu tố. Một là vấn đề về quy định pháp luật, hai là việc tổ chức thực hiện.

“Khi nào sửa đổi một cách cơ bản được Luật Đất đai thì chúng ta mới có thể tổ chức thực hiện được, đảm bảo lợi ích cân bằng giữa nhà nước, người dân và chủ đầu tư. Hiện Chính phủ rất quan tâm và đang tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo vấn đề về đất đai”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định.

HỮU NGHỊ - GIA NGUYỄN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>