Dự thảo luật Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi: Ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp

14/09/2018 | 09:07 GMT+7

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vừa tổ chức thành công Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với 2 dự thảo Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi để Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV xem xét.

Ông Ngô Minh Long (đứng), Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát biểu ý kiến đóng góp dự thảo luật.

Phải quản lý chặt nguồn gốc giống cây trồng

Đóng góp dự thảo Luật Trồng trọt, ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị, tại điểm a, khoản 1, Điều 20, bên cạnh các chuyên ngành đã nêu, cần bổ sung chuyên ngành khoa học cây trồng, nông học, khuyến nông vào các chuyên ngành của người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm.

Đối với khoản 2, Điều 21, ông Ngô Minh Long cũng đề nghị cần bổ sung quy định về hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc giống cây trồng của tổ chức, cá nhân mua, bán; cần quy định thêm các tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng vào khoản 2, Điều 21 cũng như bổ sung thêm từ “nhà màn” sau “nhà kính” cho phù hợp với việc ứng dụng quy trình sản xuất công nghệ cao vào khoản 1, Điều 59.

Dựa trên đặc tính khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, bà Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đề nghị bổ sung thêm điều, khoản quy định rõ ràng là có được sử dụng giống biến đổi gen hay không hoặc cho sử dụng ở mức độ nào vào chương II. Cũng liên quan đến vấn đề quan trọng này, bà Hạnh góp ý nên bổ sung thêm cụm từ “cấm nhập khẩu” sau cụm từ “cấm xuất khẩu” tại khoản 2, Điều 12.

Theo bà Hạnh, trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, có một số loại cây trồng do các công ty nước ngoài nhập vào nước ta mang nguồn gen của giống cây ngoại lai nên có nguy cơ tiêu diệt cây trồng bản địa, gây ảnh hưởng ngành trồng trọt sau này. Mặt khác, cần bổ sung thêm khoản quy định xây dựng nhà kính, nhà lưới, nhà màn để trồng trọt phải được cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép về chất lượng đất, nước, đa dạng sinh học, công nghệ canh tác vào Điều 54 của dự thảo luật.

Ngoài chính sách khuyến khích phát triển canh tác hữu cơ, bà Lê Mỹ Hạnh còn đề nghị xem xét bổ sung thêm điều, khoản về ưu tiên vận chuyển logistics cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung, cây trồng nói riêng vào chương V quy định thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng. Vì đây là điều kiện giúp đưa nông sản từ nơi sản xuất đến chế biến được nhanh chóng, kịp thời, góp phần tăng chất lượng hàng hóa nông sản phục vụ xuất khẩu.

Bổ sung các quy định cụ thể trong chăn nuôi

Ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, góp ý, trong Điều 2 Luật Chăn nuôi nên bỏ khái niệm “đàn cụ kỵ”, “đàn ông bà”, “đàn bố mẹ” bởi cách diễn đạt không phù hợp; chỉ nên sử dụng khái niệm “đàn hạt nhân” do nội hàm đàn hạt nhân đã bao gồm những đàn này.

Riêng tại khoản 6, Điều 23, cần đưa khái niệm “cấp giống” vào phần giải thích từ ngữ để người dân có thể hiểu và thuận tiện cho việc áp dụng luật. Cũng nên quy định chi tiết cho từng đối tượng vật nuôi về quy mô chăn nuôi ở Điều 56; cần quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tất cả vật nuôi đối với cá nhân, tổ chức vào Điều 66 về quản lý nuôi chó, mèo, vì hiện nay, ngoài 2 đối tượng chi tiết trong luật, người dân còn thả nuôi nhiều loại động vật hoang dã nguy hiểm khác.

Tương tự, bà Lê Mỹ Hạnh nói, trong chương IV, đối với mục chăn nuôi động vật khác, đề nghị có điều quy định chặt chẽ về nuôi động vật thí nghiệm. Đây là động vật đặc biệt, nuôi không để ăn mà để thí nghiệm nên nếu để “xổng chuồng” hay phát tán ra môi trường tự nhiên thì hết sức nguy hiểm. Đồng thời, cần có điều, khoản quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại do hoạt động chăn nuôi gây ra cho môi trường, đa dạng sinh học, nền kinh tế vào dự thảo luật.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoa Vinh, Chánh Thanh tra Sở Công thương, cho rằng, Luật Chăn nuôi chưa quy định rõ chế tài vi phạm về chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi. Cho nên đề nghị tại Điều 25 quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi cũng như bổ sung quy định bồi thường thiệt hại gây ra khi cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi không đạt chuẩn ở Điều 49 của luật.

Bên cạnh đó, đối với quy định về quản lý chăn nuôi động vật khác, ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đề nghị, chỉ nên đưa ra các quy định cơ bản đối với động vật khác, vì nếu liệt kê cụ thể tên các loại vật nuôi như ở mục 3 của dự thảo luật thì sẽ gặp khó trong việc quản lý sau này.

Còn ông Ngô Minh Long băn khoăn, ở Điều 64 quy định được sử dụng kỹ thuật dẫn dụ nhưng không quy định công suất cụ thể để quản lý tiếng ồn trong việc quản lý nuôi chim yến,…

Dự kiến 2 dự thảo luật này sẽ được Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Đầu năm đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp nhiều dự thảo luật như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Đặc xá (sửa đổi)…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành liên quan, Đoàn đã tổng hợp và gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội thông qua tại các kỳ họp.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>