Đưa Luật Hộ tịch vào cuộc sống

26/11/2018 | 08:06 GMT+7

Sau gần 3 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đi vào nề nếp. Tuy nhiên, Luật Hộ tịch cũng bộc lộ một số hạn chế cần sớm được chỉnh sửa, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan chức năng và người dân khi thực hiện.

Công dân đến thực hiện các thủ tục về hộ tịch tại UBND huyện Châu Thành A.

Giảm các thủ tục, giấy tờ

 Trước khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2016), Sở Tư pháp tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách tại cấp huyện và các xã, phường, thị trấn, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Qua đó, nâng cao nhận thức người dân về việc đăng ký hộ tịch là quyền, nghĩa vụ của mình nên đã tự giác chấp hành.

Đáng ghi nhận là sau gần 3 năm thực thi luật, tỷ lệ đăng ký hộ tịch tăng lên, các cặp vợ chồng đều đăng ký kết hôn theo quy định, trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh, tình trạng không đăng ký khai tử dần khắc phục. Bên cạnh đó, hiện tượng người dân tự ý tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ hộ tịch giảm đáng kể so với trước đây. Kết quả thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 17.000 trường hợp đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, cải chính hộ tịch…

Theo bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và cải cách tư pháp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch có ý thức trách nhiệm hơn trong thực hiện nhiệm vụ nên các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến hộ tịch giảm đáng kể.

Mặt khác, khi áp dụng Luật Hộ tịch còn giúp giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết các việc hộ tịch. Người dân có thể lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch không phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Luật cũng quy định miễn phí đăng ký hộ tịch cho những trường hợp thuộc gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, người khuyết tật, đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn. Đó là quy định mới thể hiện tính nhân văn, đồng thời khuyến khích người dân đăng ký hộ tịch đúng luật.

Sớm khắc phục bất cập, hạn chế

Tuy nhiên, việc thực hiện luật thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như: Quy định công dân được lựa chọn nơi đăng ký hộ tịch tạo ra áp lực đối với cơ quan quản lý ở các địa phương có nhiều người tạm trú, lượng công việc tăng lên và độ phức tạp cũng tăng theo; người không có hộ khẩu thường trú dễ biến động, gây khó khăn cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.

Cũng theo một số địa phương, Luật Hộ tịch năm 2014 có nhiều thay đổi so với Nghị định số 158/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Do đó, một số trẻ em được sinh ra ở nước ngoài, cha mẹ đã đăng ký kết hôn nhưng sau một thời gian chung sống, do bị chồng ngược đãi, cuộc sống gặp khó khăn... nên người mẹ mang con về Việt Nam. Có trường hợp mang được giấy khai sinh, có trường hợp không mang được giấy tờ tùy thân, trường hợp đã có hộ chiếu do nước ngoài cấp và trường hợp cha mẹ ly hôn ở nước ngoài, chưa làm thủ tục ghi chú ly hôn tại Việt Nam.

Với những trường hợp trên, đa số gia đình đều có nguyện vọng được đăng ký khai sinh, nhập khẩu, thường trú... như trẻ em tại Việt Nam để có thể đi học, hưởng các chế độ an sinh xã hội. Song, hiện nay, pháp luật về hộ tịch chưa quy định cũng như có hướng dẫn cụ thể nhằm giải quyết các trường hợp này.  

Theo ông Võ Bảo Lộc, Phó trưởng Phòng Tư pháp thị xã Ngã Bảy, khó khăn nữa là đối với những công dân Việt Nam đã từng có thời gian cư trú tại nước ngoài nay về Việt Nam thường trú. Khi cơ quan chức năng yêu cầu xuất trình giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì hầu hết các trường hợp này không có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài do cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cấp.

Từ đó, UBND cấp xã nơi thường trú hiện tại của công dân thường phải yêu cầu người dân cam đoan “tự chịu trách nhiệm về tình trạng hôn nhân của mình và hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật”. Tuy vậy, việc này không bảo đảm tính chính xác, dễ dẫn đến các hậu quả pháp lý về sau.

Vì thế, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập trong Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả đăng ký, quản lý hộ tịch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>