Giá trị pháp lý của hòa giải cơ sở

05/06/2019 | 06:59 GMT+7

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định tòa án có thẩm quyền công nhận hòa giải thành ở cơ sở theo thủ tục việc dân sự. Đây là bước tiến pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay.

Một buổi hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện Châu Thành A.

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, vừa hoàn thành thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Bà Quỳnh cho biết: “Trước đó, gia đình tôi có phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất với một số hộ lân cận. Vụ việc được ban hòa giải xã tổ chức hòa giải. Sau đó, gia đình tôi và các bên đã thương lượng thống nhất với nhau về hướng giải quyết vụ việc”.

Để đảm bảo những thỏa thuận được thực hiện trên thực tế, bà Quỳnh được hướng dẫn thực hiện thêm thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Đến nay, giữa các bên đã tự nguyện thực hiện xong theo tinh thần nội dung của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.

Điều 416 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Kết quả hòa giải vụ việc ngoài tòa án được tòa xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải”.

Theo ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, tất cả những vụ việc dân sự được hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải như kết quả hòa giải theo Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động… nếu muốn được tòa công nhận kết quả hòa giải thành thì người yêu cầu làm đơn yêu cầu gửi tòa có thẩm quyền xem xét công nhận. Chủ thể có quyền yêu cầu tòa công nhận kết quả hòa giải thành là các bên có quyền và lợi ích liên quan đến kết quả hòa giải thành ngoài tòa án.

Tuy nhiên, không phải kết quả hòa giải thành ngoài tòa nào cũng được tòa công nhận.

Theo đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định chặt chẽ các điều kiện, thủ tục để tòa công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa nhằm tránh việc công nhận kết quả hòa giải thành có sai sót, ngăn ngừa việc hòa giải không đúng pháp luật.

Cụ thể, các vụ việc dân sự đã được hòa giải thành nếu có đủ các điều kiện sau đây sẽ được tòa ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành: Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trong trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

Về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa, bà Mạc Thị Chiên, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A, cho biết: “Muốn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa, người dân có thể nộp đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành trực tiếp tại tòa hoặc gửi qua đường bưu điện”

Được biết, sau khi tiếp nhận đơn, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ kèm theo, chánh án tòa án tiếp nhận sẽ phân công thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.

 Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định thì thẩm phán yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu người yêu cầu thực hiện đầy đủ thì thẩm phán tiến hành thủ tục thụ lý việc dân sự. Nếu quá thời hạn mà người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung thì trả lại đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ kèm theo cho họ.

“Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu, nếu đủ điều kiện thụ lý, chúng tôi sẽ ra thông báo về việc nộp lệ phí. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người dân có yêu cầu phải tiến hành việc nộp lệ phí tại cơ quan thi hành án, sau đó tòa sẽ thực hiện các bước để ra quyết định”, bà Chiên cho biết thêm.

Ngoài ra, cũng theo Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận là tòa cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc. Quyết định công nhận hay không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của tòa có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định này sẽ được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Việc công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở bằng quyết định của tòa án là một trong những bước phát triển của pháp luật tố tụng dân sự, tạo sự gắn kết trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa và ngoài tòa. Nhờ đó, góp phần xây dựng niềm tin của các bên tranh chấp; nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả đối với công tác hòa giải cơ sở hiện nay.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>