Giải pháp giảm khiếu nại đất đai

11/07/2019 | 08:51 GMT+7

Những năm gần đây, phần lớn các đơn khiếu nại của người dân trong tỉnh gửi cơ quan chức năng đa số lĩnh vực đất đai.

Người dân ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh phản ánh việc quy hoạch kéo dài nhiều năm không triển khai gây ảnh hưởng cuộc sống.

Theo UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.926 người khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, tăng 376 người so cùng kỳ. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quy hoạch kéo dài không thực hiện. Trong đó, khiếu nại về giá bồi thường đất chiếm phần lớn các trường hợp khiếu nại.

Theo ý kiến của một số hộ dân có khiếu nại, giá bồi thường nhiều dự án hiện nay thấp so với giá thị trường khiến họ thiệt thòi. Bởi trong một số trường hợp sau khi Nhà nước bồi thường tiền đất, số tiền bồi thường không đủ để người dân mua lại cùng diện tích đất khác để sinh sống, làm ăn.

Ông Trần Minh Tâm, ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, bày tỏ: “Gia đình tôi có 620m2 đất bị thu hồi thực hiện dự án xây Trụ sở làm việc kết hợp Nhà văn hóa đa năng Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh. Trong đó với đất ở, tôi được bồi thường 250.000 đồng/m2 nhưng tôi không đồng ý vì giá bồi thường chỉ bằng 20% so với giá thực tế tại đây là 1.300.000 đồng/m2”.

Cũng theo ông Tâm, người dân như ông luôn ủng hộ chủ trương của Nhà nước làm dự án phục vụ cộng đồng, song việc thu hồi đất khiến họ chịu thiệt thòi, mất đi nguồn thu nhập ổn định. Vì thế nếu giá bồi thường quá thấp, các hộ dân khó đồng thuận.

Cùng với khiếu nại về giá đất thì nhiều dự án quy hoạch treo, kéo dài cũng là nguyên nhân gây phát sinh khiếu nại của dân. Bởi theo các hộ dân, khi Nhà nước thu hồi đất và nhà ở, họ phải di dời, tái định cư đến nơi khác. Trường hợp dự án kéo dài nhiều năm, người dân gặp phải tình trạng “đi không được, ở không xong” do muốn đi nhưng chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ hoặc dự án chưa bố trí được nơi tái định cư. Còn ở lại thì quyền sử dụng đất bị hạn chế, muốn sửa sang nhà cửa hoặc chia đất cho con cái ra ở riêng cũng trầy trật.

Ông Ngô Văn Thắng, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, cho biết: “Gần 1.000m2 đất của gia đình tôi được quy hoạch làm dự án. Nhưng đợi mãi dự án vẫn chưa thấy có động tĩnh gì. Cuộc sống của người dân chúng tôi rất khó khăn do nhà cửa xuống cấp. Vì thế, tôi và nhiều hộ dân buộc phải làm đơn khiếu nại nhiều nơi”.

Theo lãnh đạo một số địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai có nhiều diễn biến phức tạp những năm qua là do công tác quản lý đất đai còn tồn tại những mặt hạn chế. Trong đó, việc thu hồi, định giá, kiểm đếm, kiểm kê tài sản trên đất; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có lúc, có nơi làm chưa tốt dẫn đến công dân không chấp nhận, yêu cầu đòi quyền lợi cao hơn.

“Nhiều dự án sau khi thu hồi đất của dân xong không triển khai thực hiện, để đất hoang hóa; khả năng sử dụng đất ít nhưng thu hồi với diện tích lớn gây lãng phí đất đai, khiến người dân bức xúc cũng là điều đương nhiên”, ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, thành viên Đoàn công tác liên ngành giải quyết khiếu nại tỉnh, chia sẻ.

Còn theo ông Lưu Ngọc Đông, Chánh Thanh tra tỉnh, hiện nay bên cạnh những nguyên nhân trên thì chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai của chính quyền cơ sở chưa cao. Nhiều vụ việc do lịch sử để lại nhưng chính quyền qua các thời kỳ không giải quyết dứt điểm cũng khiến công tác giải quyết khiếu nại gặp khó khăn. 

Thanh tra tỉnh dự báo, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trong những tháng cuối năm 2019 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các địa bàn thu hồi nhiều đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, đòi lại đất cũ của một số cá nhân, tổ chức có xu hướng gia tăng, tính chất nhạy cảm… từ đó đặt ra nhiều thách thức cho ngành chức năng.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng trên, theo đề xuất của một số ngành liên quan, bên cạnh việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý đất đai, cần xây dựng hệ thống dữ liệu và hồ sơ quản lý đất đai đầy đủ, đồng bộ làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề phát sinh; song song đó, cần điều chỉnh các chính sách về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất phù hợp hơn với thực tế.

“Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo cần tăng cường công tác đối thoại, hòa giải để giải quyết ngay từ lúc phát sinh ở cơ sở. Có như thế mới có thể hạn chế thấp nhất các khiếu nại, tố cáo về đất đai”, ông Lưu Ngọc Đông nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>