Giải pháp hạn chế án trả hồ sơ điều tra bổ sung

05/07/2019 | 08:10 GMT+7

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một quyền quy định tại các điều 245, 280 Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình điều tra, đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

Tìm hiểu rõ hơn về quy định này, phóng viên Báo Hậu Giang đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Khải (ảnh), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Ông Khải cho biết:

- Việc trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung đảm bảo cho việc điều tra, thu thập chứng cứ được đầy đủ, áp dụng trình tự thủ tục tố tụng đúng quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử; đảm bảo cho việc truy tố, xét xử có căn cứ vững chắc, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Tuy nhiên, số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều là thể hiện sự thiếu sót của cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc phát hiện và chứng minh tội phạm. Chính vì lẽ đó, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh luôn quán triệt và tập trung chỉ đạo tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm giúp hạn chế tối đa đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, xem đây là chỉ tiêu nghiệp vụ quan trọng của đơn vị.

Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử là giải pháp hạn chế án trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Cụ thể, việc trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh thời gian qua như thế nào, thưa ông ?

- Năm 2018, tòa án hai cấp trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung 14 vụ, với lý do chủ yếu là việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm chưa đầy đủ, phát sinh tình tiết mới tại phiên tòa.

Còn 6 tháng đầu năm 2019, số vụ tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung trên toàn tỉnh là 4 vụ (chiếm 2,2%).

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung của các cơ quan tiến hành tố tụng ?

- Hiện nay, tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn phạm tội tinh vi, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Thực tế cho thấy, các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thường là những vụ án phức tạp, chứng cứ tài liệu ban đầu chưa rõ ràng. Trong quá trình điều tra, chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án hoặc những nội dung có mâu thuẫn mà chỉ tập trung thu thập các tài liệu buộc tội, dẫn đến việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Bên cạnh đó, về nguyên nhân chủ quan, có thể thấy rằng năng lực chuyên môn của một số điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán còn hạn chế nhất định, do vậy công tác giải quyết án đôi lúc chưa thống nhất, đồng bộ. Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có lúc, có việc chưa chặt chẽ và linh hoạt, trong công tác đánh giá chứng cứ còn thiếu đồng nhất.

Từ những hạn chế nêu trên, đâu là giải pháp để hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với án hình sự hiện nay, thưa ông ?

- Tôi cho rằng, muốn hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thì cần phải tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; viện kiểm sát hai cấp phải nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

Để làm tốt được điều này, yêu cầu đối với mỗi kiểm sát viên phải chủ động phát huy mối quan hệ phối hợp với điều tra viên trong suốt quá trình điều tra vụ án. Kiểm sát viên phải nắm vững nội dung, tình tiết, chứng cứ vụ án, tiến độ điều tra, kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ vụ án ngay từ giai đoạn đầu tố tụng. Đồng thời, đối với các đơn vị cần tăng cường nghiên cứu, tổng kết đúc rút kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

Đối với các vụ án phức tạp có nhiều quan điểm khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ thì kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo lãnh đạo để cho ý kiến chỉ đạo hoặc tổ chức họp liên ngành để bàn biện pháp xử lý. Nếu liên ngành cấp huyện không thống nhất được thì xin ý kiến liên ngành tố tụng cấp tỉnh nhằm đảm bảo cho việc điều tra thu thập chứng cứ được đầy đủ để giải quyết vụ án kịp thời, khách quan, đúng pháp luật; tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Xin cảm ơn ông !

ĐÌNH BẢO thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>