Giải pháp hạn chế khiếu nại, tố cáo

13/07/2018 | 05:51 GMT+7

Những năm qua, công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm và thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan. Song, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp.

Đoàn công tác của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Khiếu nại, tố cáo phức tạp, vì sao ?

Theo báo cáo của UBND tỉnh tại buổi làm việc với Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn cuối năm 2016 đến nay là 2.431 đơn các loại. Trong đó, đơn khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm 70% tổng số đơn phát sinh và có trên 450 đơn không đủ điều kiện để xử lý.

“Khiếu nại chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, tranh chấp đất. Còn đơn tố cáo tập trung vào lĩnh vực hành chính, đối tượng bị tố cáo thường là cán bộ, công chức ở cấp xã, huyện với nội dung vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ,...”, ông Lưu Ngọc Đông, Chánh Thanh tra tỉnh, cho biết.

Ông Lưu Ngọc Đông nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý đất đai của tỉnh còn nhiều yếu kém, tồn tại do lịch sử để lại. Hồ sơ địa chính không đồng bộ, không chính xác, không đầy đủ cơ sở pháp lý dẫn đến phát sinh những khiếu nại, tranh chấp gay gắt, phức tạp, khó giải quyết; nhất là tranh chấp đất đai giữa những người thân, trong gia đình, dòng họ.

Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm khi thi hành công vụ, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhất là công tác kiểm kê, kiểm đếm trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...

 Mặt khác, theo các cơ quan chức năng, Hậu Giang đang trong quá trình chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị nên phải thu hồi đất diện tích lớn. Trong khi đó, chính sách pháp luật về thu hồi đất còn bất cập; các quy định càng về sau càng có lợi hơn cho người thu hồi đất, dẫn đến hình thành tâm lý khiếu nại kéo dài về thu hồi đất để hưởng lợi khi chính sách thay đổi.

Bên cạnh đó, vấn đề công khai, minh bạch trong quản lý hành chính cũng chưa tốt, người dân thiếu thông tin rõ ràng. Nhiều cơ quan và người đứng đầu cơ quan chưa làm hết trách nhiệm trong tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân.

Đâu là giải pháp ?

Theo UBND tỉnh, mặc dù tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh hàng năm của tỉnh đều đạt trên 90%, nhưng theo nhận định, công tác giải quyết trong thời gian tới sẽ phức tạp.

Hiện toàn tỉnh dù số lượng vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài nhiều năm không cao, song vẫn có một số vụ việc khiếu nại phức tạp đang phải kiểm tra, rà soát như các khiếu nại liên quan đến Quốc lộ 1, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân… Điều này cho thấy, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Trong buổi làm việc của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh, nhiều thành viên Ban Dân nguyện đều thống nhất cao với UBND tỉnh rằng, phải tăng cường công tác đối thoại với công dân, đặc biệt là những vấn đề nóng, những vụ việc khiếu kiện đông người mới có thể hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.

Bởi thông qua đối thoại trực tiếp, ngoài việc nắm bắt ý kiến, nguyện vọng của người dân cũng sẽ tạo điều kiện cho ngành chức năng vận động, thuyết phục công dân chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết, tháo gỡ kịp thời khiếu kiện, bức xúc của công dân, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, đối vơi các địa phương phải xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; mọi khiếu nại, tố cáo phải được xem xét, giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật từ cấp cơ sở. Khi xảy ra khiếu nại đông người, phức tạp, cán bộ lãnh đạo phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người dân, không để phát sinh thành điểm nóng gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Thống nhất với các ý kiến trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu cũng cho rằng, các cấp chính quyền phải kịp thời giải quyết căn bản những vụ khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Phải tăng cường công tác đối thoại, rút ngắn thời gian xác minh, điều tra và có thời gian cụ thể trả lời cho dân, để qua đó tìm sự đồng thuận, tiếng nói chung giữa người dân và cơ quan nhà nước thì mới có thể giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo như hiện nay.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>