Giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân

16/10/2018 | 09:22 GMT+7

Giữa tháng 10 này là thời điểm kết thúc 5 năm Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam thực hiện các chương trình phối hợp về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giám sát, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Đây là một chương trình phối hợp có ý nghĩa rất quan trọng, rất “thời sự” trong những năm qua, gắn liền với cuộc sống của nhân dân và sự phát triển, ổn định tình hình kinh tế - xã hội đất nước.

Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động phối hợp, đồng thời hướng dẫn cấp quận, huyện chủ động phối hợp các đơn vị cùng cấp tổ chức ký kết Chương trình phối hợp tại địa phương mình. Các cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam, Thanh tra, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra. Các cơ quan đã tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân, nâng cao nhận thức về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý… tạo điều kiện cho người dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai, góp phần bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật. Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở bước đầu đã đạt những kết quả rõ nét. Kết thúc đợt giám sát, các đoàn giám sát đều có báo cáo tổng hợp và thông báo kết quả của Đoàn giám sát cũng như văn bản đề xuất những nội dung kiến nghị cụ thể tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân được tổ chức thường xuyên và đạt những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình khiếu kiện của công dân vẫn diễn biến rất phức tạp. Đáng chú ý, lợi dụng tình hình nêu trên, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, phần tử xấu đã có những hoạt động kích động tụ tập đông người, tuần hành biểu tình và cổ xúy, hỗ trợ người khiếu kiện, nhằm gây mất an ninh trật tự. Công dân có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng, nhiều trường hợp có hành vi xúc phạm, vu khống, đe dọa hành hung cán bộ tiếp dân và lực lượng an ninh. Trong khi đó, tại nhiều nơi, các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài chưa thể giải quyết triệt để, thấu đáo do gặp phải nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Triển khai công tác giám sát giải quyết khiếu kiện của người dân ở một số địa phương còn chưa chủ động, mang tính hình thức; lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát lúng túng; phương pháp thực hiện còn đơn điệu, nhiều lúc chỉ thông qua báo cáo của các đơn vị được giám sát. Việc theo dõi kết quả, thông báo của đơn vị chủ thể đối với đối tượng được giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được chú ý. Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân ở các địa phương nhiều lúc gặp khó khăn do các vụ việc thường đã được các cơ quan giải quyết qua nhiều cấp, kéo dài qua nhiều năm. Tính chất vụ việc phức tạp, nhạy cảm, do đó, khi trợ giúp pháp lý cho người dân, luật sư không thể nắm bắt hết và hiểu thấu đáo bản chất các vụ việc trong thời gian ngắn. Các vụ việc được lựa chọn để giám sát thường là vụ việc phức tạp, kéo dài cho nên trong quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo là công tác, là quá trình rất khó khăn, phức tạp; giám sát và tìm cách nâng cao hiệu quả của công tác này cũng là một bài toán vô cùng khó, cần sự chung sức của cả hệ thống chính trị ở T.Ư và cơ sở. Với những bài học và kinh nghiệm đã được đúc kết trong 5 năm qua, thời gian tới, sự phối hợp của năm cơ quan trong giám sát, giải quyết khiếu kiện cần được đặc biệt chú trọng nâng cao về hiệu quả thực tế. Trước mắt, cần tập trung nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết của các cấp ở địa phương; hạn chế phát sinh vụ việc mới. Trong quá trình tiếp công dân, giải quyết từng vụ việc cần quan tâm phát hiện rõ nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo, từ đó đề xuất các biện pháp để giải quyết, khắc phục tình trạng đông người, vượt cấp kéo dài. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương với sự tham gia của nhiều cơ quan tiếp công dân, nhằm tạo sự thống nhất, tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan, với trọng tâm kiểm tra là những vụ việc phức tạp, kéo dài để có cơ sở trả lời công dân dứt điểm. Các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phù hợp tình hình thực tế. Trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu kiện, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin tình hình, diễn biến vụ việc khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo để có sự phối hợp hiệu quả, đúng pháp luật. Đối với các đoàn giám sát kết quả giải quyết khiếu kiện, sau khi có văn bản kiến nghị sau giám sát gửi các cơ quan có thẩm quyền, công tác theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị cần được chú trọng hơn nữa để bảo đảm hiệu quả của công tác giám sát…

Theo SONG LINH/nhandan.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>