Giảm điểm nóng từ việc đối thoại

28/05/2019 | 08:11 GMT+7

Thực tế hiện nay cho thấy, các vụ việc khiếu nại đông người và kéo dài thường tạo thành điểm nóng. Do đó, việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại để hạ nhiệt điểm nóng chính là một trong những giải pháp hàng đầu trong giải quyết khiếu nại. 

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân có khiếu nại trên địa bàn xã Tân Phước Hưng.

Đối thoại tại điểm nóng

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng khu, cụm công nghiệp, Hậu Giang phải tổ chức giải tỏa mặt bằng. Giải tỏa, đền bù nhiều nên không tránh khỏi phát sinh những vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Nhiều điểm nóng về khiếu nại đã hình thành, trong đó nổi cộm là việc người dân khiếu nại trong giải tỏa, đền bù thực hiện các dự án như Quốc lộ 1, bờ kè kênh xáng Xà No, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, Khu nông nghiệp và ứng công nghệ cao...

Những điểm nóng về khiếu nại có chung đặc điểm là tính pháp lý vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người và kéo dài nhiều năm. Nhiều vụ, cơ quan chức năng đã có quyết định giải quyết nhưng người dân không đồng tình. Không chỉ gửi đơn khiếu nại gay gắt, người dân còn tập trung đông tại các trụ sở làm việc cơ quan Đảng, chính quyền; không ít vụ người dân khiếu nại đến Trung ương.

 Điều này không chỉ gây phiền hà, tốn kém cho bà con mà còn gây bất ổn xã hội. Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, đối thoại là biện pháp tối ưu để làm nguội tình hình, tiến đến xóa điểm nóng khiếu nại. Nhiều điểm nóng tưởng chừng rất gay gắt, qua đối thoại và giải quyết hậu đối thoại, các bên đã tìm được tiếng nói chung.

Đơn cử như vừa qua, tại UBND xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức đối thoại với 168 hộ dân có khiếu nại liên quan đến đất đai tại Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân. Đây là lần thứ 3 việc đối thoại được tổ chức giữa người đứng đầu cấp ủy tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh với hộ dân để thông báo, truyền đạt văn bản giải quyết của bộ, ngành Trung ương và Chính phủ liên quan đến vụ việc.

Ông Trương Văn Chung, người có khiếu nại trong vụ việc, cho biết: “Căng thẳng kéo dài đã 2 năm nay, bởi 168 hộ dân chúng tôi nhiều lần làm đơn khiếu nại yêu cầu được trả lại đất gốc hoặc đền bù thành quả lao động, dù UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản giải quyết khiếu nại nhưng không thuyết phục. Tuy nhiên, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm tổ chức đối thoại đến 3 lần và nay đã thông báo kết quả các văn bản của Trung ương nên dù một số vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung, nhưng người dân chúng tôi vẫn ghi nhận cao những nỗ lực của chính quyền”.

Đặt mình vào hoàn cảnh của dân

Theo số liệu của Thanh tra tỉnh, từ năm 2014, khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực đến nay, toàn tỉnh tổ chức tiếp trên 15.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ghi nhận gần 7.600 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân gửi đến cơ quan chức năng, trong số đó trên 3.500 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết. Mỗi một lần tiếp công dân hay giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, tố cáo ngay từ khi phát sinh đã thể hiện việc cấp chính quyền thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của dân.

Là một trong những địa phương có địa bàn rộng, nhiều công trình, dự án triển khai dẫn đến việc xung đột lợi ích, nhiều nội dung khiếu nại, phản ánh của người dân cần giải quyết, do đó, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Lê Như Lê, muốn giải quyết khiếu nại có hiệu quả, cán bộ phải đặt mình vào vị trí người dân.

“Đặc biệt, phải tổ chức đối thoại, gặp gỡ trực tiếp người dân ngay từ khi phát sinh trong những trường hợp phức tạp. Cán bộ giải quyết khiếu nại không chỉ dựa vào tài liệu, văn bản tham mưu của cấp chuyên môn mà phải xuống nhà dân để nắm tình hình, ghi nhận thực tế thì mới có thể đưa ra giải pháp phù hợp”, ông Lê nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh, cho rằng: Thực tế, đi vào từng vụ việc cụ thể, không phải cứ đối thoại với dân là có thể giải quyết được những vướng mắc phát sinh do còn liên quan đến nhiều cấp quản lý nhà nước. Nhưng điều quan trọng nhất mà chính quyền địa phương đạt được thông qua các cuộc đối thoại là tạo cho người dân không có cảm giác bị đối đầu về lợi ích.

 Ông Nguyễn Văn Mười nói thêm, trực tiếp nghe dân nói là cách tốt nhất để biết nguyện vọng của bà con là gì và vướng mắc đang nằm ở đâu? Cũng nhờ đối thoại sẽ biết được nhiều trường hợp người dân phản ánh đúng, nhất là những việc về áp giá, thẩm định điều kiện đền bù, tái định cư và không ít trường hợp vướng mắc phát sinh do cán bộ của chính quyền làm chưa đúng. Nếu vậy, cần phải nói thẳng với dân, không giấu giếm, đồng thời xin lỗi và đưa ra hướng điều chỉnh phù hợp. Như thế sẽ nhận được đồng tình, ủng hộ từ người dân.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>