Gian nan 22 năm “đòi” lại đất

05/04/2019 | 08:29 GMT+7

Vụ tranh chấp đất của ông Bùi Tự Lập, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tưởng chừng đơn giản nhưng kéo dài đến 22 năm; qua 3 lần xét xử thì lẽ phải mới được thực thi.

Sau 22 năm khiếu kiện, ông Bùi Tự Lập  rất mong phán quyết của tòa sớm được thực thi.

Gian nan, buồn tức của gia đình ông Lập trong hành trình “đòi” lại đất thì khỏi phải nói.

“Vô phúc đáo tụng đình”

Đó là tâm sự của ông Bùi Tự Lập khi kể về quá trình gần 22 năm theo đuổi vụ kiện. Bên ly trà nóng, người đàn ông sắp đến tuổi bát tuần vẫn nhớ như in câu chuyện của gần 50 năm trước. 

Theo ông Lập, năm 1976, ông mua phần đất của ông Bùi Ngọc Giao 8 công tầm lớn, tọa lạc tại ấp 10, xã Vĩnh Lập, huyện Vị Thanh (nay là ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ). Cũng khoảng thời gian này, ông Bé Hí, cùng ở xã Vĩnh Lập, xin đất canh tác, được chính quyền địa phương lấy phần đất của bà Cà Cham (vợ ông Danh Kiêm), do cha chồng bà là ông Danh Suông để lại, tọa lạc tại ấp 4, xã Vĩnh Lập, huyện Vị Thanh (nay là ấp 7, xã Vĩnh Viễn A) cấp lại cho ông Bé Hí diện tích 11.050m2, vì bà Cham về xã Hỏa Lựu ở, bỏ đất trống.

Năm 1977, do nhà ông Bé Hí, ở ấp 10, còn ông Lập nhà ở ấp 4 nên chính quyền địa phương vận động hai ông đổi đất để thuận tiện trong canh tác. Đến năm 1981, đất đưa vào tập đoàn thì phần đất của ông Lập (đã đổi) đang canh tác thuộc tập đoàn II, ấp 4. Ngày 7-9-1989, UBND huyện Vị Thanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cho ông Lập diện tích 11.050m2.

Đến năm 1991, giải thể tập đoàn, có chủ trương trả lại đất gốc, ông Lập cắt trả cho bà Cà Cham 3.000m2, phần còn lại ông Lập trả thành quả lao động cho bà Cham theo yêu cầu của bà. Tuy nhiên, đến năm 1997, bà Võ Thị Hoa (vợ kế ông Danh Kiêm - con của ông Danh Suông) và con là bà Trần Thị Bé Tư ngang nhiên chiếm trên 3.000m2 đất của ông Lập. Ông khiếu nại đến chính quyền địa phương nhưng giải quyết không thành.

Hành trình gian nan

Vụ việc kéo dài từ năm 1997 đến năm 2007 và được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Long Mỹ thụ lý. Trong quá trình giải quyết, bà Hoa mất chưa có người thừa kế nên tòa không giải quyết.

Đến năm 2012, ông Lập khởi kiện bà Bé Tư là người thừa kế lại phần đất của bà Hoa (lúc này đã được bà Bé Tư cho thuê). Vụ kiện được TAND huyện Long Mỹ xét xử sơ thẩm, tuyên xử buộc bà Bé Tư trả lại phần đất diện tích 3.557,8m2 (theo đo đạc thực tế) cho ông Lập. Tuy nhiên, lúc này bà Bé Tư không đồng ý với bản án sơ thẩm và làm đơn kháng cáo.

Ngày 28-5-2014, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm, quyết định hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ xét xử. Bởi theo nhận định của tòa, phần đất tranh chấp không có tên trong sổ dã ngoại, sổ mục kê hay trong sổ địa chính, cả hai bên đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) hoặc các loại giấy tờ theo quy định của Điều 50, Luật Đất đai. Cấp sơ thẩm căn cứ vào giấy xác nhận trả thành quả lao động cho con bà Cham để thụ lý và buộc bà Bé Tư trả lại đất cho ông Lập là không có cơ sở pháp lý và không đúng thẩm quyền.

Tâm sự về phán quyết của tòa cấp phúc thẩm, ông Lập nói: “Tại tòa, tôi đã nộp chứng cứ và cả giấy CNQSDĐ tạm thời nhưng không hiểu vì sao tòa tỉnh không giải quyết mà còn cho rằng giấy chứng nhận tạm thời của tôi được Nhà nước cấp vào năm 1989 không có phần đất của bà Hoa chiếm. Vậy diện tích đất trong giấy của tôi thiếu trên 3.000m2 nằm ở đâu? Với cách giải quyết của tòa như vậy là không khách quan”.

Sau khi tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, ông Lập tiếp tục hành trình tìm đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh như Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để tiếp tục đòi lẽ phải…

Qua nhiều lần yêu cầu của ông Lập, đến ngày 22-12-2016 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 109 ngày 28-5-2014 của TAND tỉnh. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

Ngày 18-9-2017, TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị. Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 109 của TAND tỉnh về vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn ông Bùi Tự Lập với bị đơn bà Trần Thị Bé Tư. Chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Hậu Giang xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.

Trong quyết định giám đốc thẩm, TAND cấp cao nhận định: “Ông Lập khởi kiện quyền sử dụng đất nêu trên, TAND huyện Long Mỹ thụ lý giải quyết là thuộc thẩm quyền: Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 của luật này (Luật Đất đai - PV) và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết…

Đến ngày 10-10-2018, sau một lần hoãn, TAND tỉnh đã mở lại phiên tòa phúc thẩm và tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Tự Lập, qua đó buộc bà Trần Thị Bé Tư trả lại phần đất có diện tích 2.905m2 (theo đo đạc của tòa cấp phúc thẩm) cho ông Lập.

 Chờ công lý được thực thi ?

Cầm trên tay bản án phúc thẩm của TAND tỉnh, ông Lập xúc động chia sẻ: Ngày 10-10-2018 có lẽ là ngày tôi có giấc ngủ ngon nhất trong gần 22 năm qua, bởi cuối cùng thì công lý đã được thực thi, lẽ phải đã trở về với gia đình tôi”. 

Song câu chuyện 22 năm đi tìm công lý của ông Lập chưa thể có cái kết trọn vẹn khi đến nay vụ việc còn trì hoãn vì bản án phúc thẩm của TAND tỉnh vẫn chưa thi hành án.

Trao đổi với phóng viên về điều kiện thi hành bản án này, ông Nguyễn Văn Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Long Mỹ, cho biết: Hiện nay, do bà Trần Thị Bé Tư đã bỏ địa phương đi nên đơn vị phải tiến hành các bước cưỡng chế thi hành án để giao đất cho ông Lập. Chúng tôi cũng rất chia sẻ với gia đình ông Lập vì vụ việc kéo dài rất nhiều năm, do đó, đơn vị đang hoàn thành các thủ tục cưỡng chế thi hành án để tiến hành giao đất ngay trong tháng 4 này”.

Có lẽ chờ vài ngày hay vài tháng nữa để bản án được thực thi so với hành trình 22 năm của ông Lập không phải là dài… Nhưng việc bản án của ông Lập sớm được thực thi sẽ là thước đo, minh chứng cho tính nghiêm minh của pháp luật và lẽ phải. Đó là điều mà rất nhiều người dân của ấp 7, xã Vĩnh Viễn A và người dân tin vào công lý cũng đang rất chờ đợi, để qua đó, khép lại một vụ án không phức tạp mà kéo dài…

“Ba công đất ruộng đó với nhiều người là không lớn, nhưng với những gì đã trải qua, với hành trình gần 22 năm ba tôi và cả gia đình phải ngược xuôi nhiều nơi tìm lẽ phải thì giá trị không gì đánh đổi được!”, anh Bùi Quốc Toản, con của ông Bùi Tự Lập, cho biết.

 

TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “TAND tỉnh hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là không có căn cứ, sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>