Gỡ khó trong quản lý đối tượng chấp hành án

16/05/2019 | 06:12 GMT+7

Trên địa bàn tỉnh hiện có không ít người chấp hành xong án phạt tù, chấp hành án treo và cải tạo không giam giữ đang sinh sống tại cộng đồng. Để quản lý, nhất là giúp những người chấp hành xong án tái hòa nhập cộng đồng là nhiệm vụ khó khăn, cần sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan và chính quyền cơ sở.

Một buổi giám sát công tác chấp hành pháp luật trong quản lý án treo, cải tạo không giam giữ, người chấp hành xong án phạt tù của Ban Pháp chế HĐND tỉnh.

Trong đợt giám sát về công tác chấp hành pháp luật trong quản lý án treo, cải tạo không giam giữ, người chấp hành xong án phạt tù tại một số địa phương của Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa qua, theo đánh giá, nhìn chung công tác quản lý đối tượng bảo đảm đúng quy định pháp luật. Công tác tiếp nhận, mời gọi, lập hồ sơ đúng yêu cầu và thời hạn. Các đối tượng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đa phần đều chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và nghĩa vụ của người chấp hành án.

Đánh giá về hoạt động quản lý đối tượng chấp hành án tại cơ sở, thượng tá Huỳnh Thanh Trung, Phó trưởng Công an huyện Châu Thành, cho biết: Có được kết quả tốt là nhờ sự quyết tâm của các cơ quan, đặc biệt là cơ quan thi hành án hình sự huyện, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương với lực lượng công an các xã, thị trấn trong giám sát, quản lý người chấp hành án, từ đó kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án. Còn khó khăn, hạn chế của công tác quản lý đối tượng này một phần là do nhận thức pháp luật của đối tượng chấp hành án và gia đình họ. Bên cạnh đó, không ít địa phương còn tâm lý xem đây là trách nhiệm của riêng lực lượng công an.

Trên thực tế, tại một số địa phương mà đoàn giám sát đến tìm hiểu, việc quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, tha tù trước hạn có điều kiện do công an địa phương quản lý mọi mặt chiếm tỷ lệ rất cao. Ngoài ra, việc phối hợp quản lý của các đoàn thể cơ sở và gia đình đối tượng đôi lúc chưa chặt chẽ; nhiều nơi hồ sơ đối tượng được lập, nhưng không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, địa điểm sinh sống của đối tượng.

Thượng tá Phan Tấn Lực, Phó trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh, cho rằng: Trách nhiệm thì cùng phối hợp quản lý, nhưng một số địa phương chưa thực sự quan tâm, có nơi gần như giao hoàn toàn cho lực lượng công an. Đặc biệt, do phải mưu sinh, nhiều đối tượng chấp hành án thường xuyên thay đổi nơi cư trú, dẫn đến khó quản lý, rất dễ tái phạm, trong khi chế tài xử lý hành chính còn nhẹ, khó thực hiện.

Cùng chung khó khăn, đại úy Phan Trọng Nghĩa, Trưởng Công an thị trấn Ngã Sáu cho biết, việc quản lý các đối tượng trên là đặc thù, nhưng chưa có kinh phí hỗ trợ người trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ.

Qua đợt giám sát, nhiều thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh đồng tình rằng, thực tế việc quản lý các đối tượng đang gặp nhiều khó khăn.

Ngoài thiếu các văn bản dưới luật, thì vai trò của các ngành, đoàn thể chưa phát huy hết trách nhiệm. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân về công tác đặc xá, công tác thi hành án hình sự còn hạn chế nên vẫn còn tư tưởng, biểu hiện kỳ thị, xa lánh đối tượng. Việc giúp đỡ tạo việc làm, có thu nhập để tái hòa nhập cộng đồng đối với các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù không hiệu quả. Do vậy, nếu không có sự tuyên truyền tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân thì công tác này khó chuyển biến.

Ông Nguyễn Văn Quận, thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất, cần phải kiện toàn lực lượng quần chúng nòng cốt ở cơ sở, tổ chức xây dựng quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm giữa lực lượng công an địa phương với các đoàn thể quần chúng trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Thanh Bình, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho biết, thời gian tới Ban Pháp chế sẽ tham mưu với HĐND tỉnh kiến nghị Trung ương đối với một số quy định. Trong đó, có chế độ đãi ngộ cán bộ trực tiếp làm công tác thi hành án hình sự tại địa phương, nhằm tăng trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với người chấp hành xong án phạt tù bảo đảm công tác tái hòa nhập cộng đồng như tạo điều kiện dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn.

Ông Trương Thanh Bình cho rằng, quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, chính quyền, các đoàn thể tới các cơ quan bảo vệ pháp luật để giám sát, quản lý, giúp đỡ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của những người lầm lỡ, qua đó giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>