Gỡ khó trong thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật

04/07/2019 | 08:02 GMT+7

Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) có vai trò quan trọng trong góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, quản lý, điều hành theo pháp luật. Tuy nhiên, việc đánh giá các tiêu chí đạt chuẩn TCPL ở cấp xã hiện nay bên cạnh những thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn.

Giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả, đúng hạn là một trong những tiêu chí để công nhận đơn vị đạt chuẩn TCPL.

Theo Sở Tư pháp, đến nay, toàn tỉnh có 59/76 xã, phường, thị trấn hoàn thành thủ tục công nhận đạt chuẩn TCPL.

Thời gian qua, việc triển khai xây dựng, thực hiện đánh giá cấp xã đạt chuẩn trên góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, Nhân dân trong áp dụng và chấp hành pháp luật. Đặc biệt, việc bổ sung xã đạt chuẩn TCPL là tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ này.

Chia sẻ về việc thực hiện chuẩn TCPL tại địa phương, ông Lê Vĩnh Bảo, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, cho biết: “Trước đây, khi bắt đầu triển khai thực hiện chuẩn TCPL, chúng tôi gặp một số lúng túng, bởi có khá nhiều tiêu chí thành phần. Tuy nhiên, đến nay việc này cơ bản hoàn thiện. Hiện hầu hết các thủ tục, hồ sơ của người dân đều được giải quyết trước và đúng thời gian, không có hồ sơ tồn đọng; tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở cũng ngày càng tăng”.

Còn ông Nguyễn Văn Phúc, ở ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, cho biết thêm: “Chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật nên nhận thức của người dân nâng lên đáng kể. Bây giờ, việc làm các giấy tờ đăng ký khai sinh, hộ khẩu, chứng nhận quyền sử dụng đất, bà con cơ bản am hiểu và có thể tự chuẩn bị trước hồ sơ gần như đầy đủ. Nhiều việc chưa rõ, cần giúp đỡ, đến bộ phận một cửa đều được công chức hỗ trợ tận tình, hiệu quả”.

Tuy nhiên, qua việc triển khai thực hiện vấn đề vừa nêu trên địa bàn tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, một số tiêu chí trong đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL còn cứng nhắc, hình thức, chưa phản ánh đúng việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác này.

 Ông Đàm Hữu Hùng, cán bộ tư pháp xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, cho biết, đối với tiêu chí đánh giá tỷ lệ % hòa giải thành trong hòa giải cơ sở để chấm điểm TCPL chưa thực sự thuyết phục.

Đơn cử như một địa phương trong năm phát sinh 20 vụ tranh chấp trong dân phải cần hòa giải và hòa giải thành 12 vụ, tỷ lệ hòa giải thành hơn 50% sẽ đạt tiêu chí chấm điểm TCPL. Trong khi đó, nếu một địa phương nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên ít có phát sinh mâu thuẫn trong dân, trong năm chỉ phát sinh 3 vụ hòa giải nhưng chỉ hòa giải thành 1 vụ thì tỷ lệ hòa giải thành chỉ đạt hơn 33%, ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chuẩn TCPL.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, các tiêu chí chấm điểm chuẩn TCPL vẫn còn một số nội dung dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau, quy trình phức tạp; có tiêu chí, chỉ tiêu cứng nhắc, máy móc; cùng với đó là việc đánh giá đạt chuẩn thiếu hướng dẫn chi tiết, chủ yếu phụ thuộc vào đơn vị tự chấm điểm.

“Do vậy, việc triển khai xây dựng và đánh giá đạt chuẩn TCPL tôi cho rằng còn hình thức, chưa đánh giá được hết mức độ TCPL của người dân”, ông Đáp nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo chia sẻ của một số địa phương, quy định hướng dẫn thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg cũng làm phát sinh nhiều loại sổ theo dõi cung cấp thông tin, sổ theo dõi việc cập nhật thông tin pháp luật, sổ theo dõi kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi tình hình niêm yết thủ tục hành chính... từ đó dẫn đến khó khăn chung cho các địa phương.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng, việc xây dựng và đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL còn hạn chế, nhất là ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Nhằm khắc phục vấn đề này, cải thiện điều kiện TCPL của người dân trong thời gian tới, đối với các địa phương cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, mô hình phù hợp. Cùng với đó là tăng cường vai trò chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc xây dựng và đánh giá chuẩn TCPL tại địa phương của cấp ủy, chính quyền, qua đó đưa chuẩn TCPL đi vào thực chất.

Theo Quyết định số 619 của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận đạt chuẩn TCPL, đơn vị cấp xã phải thực hiện 5 tiêu chí gồm: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền UBND cấp xã; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở; thực hiện dân chủ cơ sở. Các tiêu chí trên sẽ bao gồm các số điểm tương ứng với tổng điểm 100, cấp xã đạt chuẩn TCPL phải là đơn vị không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa.

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>