Góp ý kiến hoàn thiện pháp luật về dân quân

27/09/2019 | 07:32 GMT+7

Dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và Luật Lực lượng dự bị động viên vừa được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đưa ra lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các ý kiến đồng tình cao với dự thảo, một số ý kiến cũng nêu băn khoăn, đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Nhiều đại biểu đề nghị nâng mức hỗ trợ đối với lực lượng dân quân tự vệ.

Tăng mức hỗ trợ cho dân quân

Cho ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), đa số các đại biểu thống nhất với bố cục, các điều khoản quy định trong dự thảo luật; đồng thời đóng góp một số nội dung để dự luật được hoàn thiện.

Theo thượng tá Hồ Hữu Trí, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Châu Thành A, hiện nay, dự thảo sửa đổi luật chưa quy định trợ cấp ngày công lao động cụ thể; còn mức quy định hiện hành không thấp hơn hệ số 0,08 mức lương tối thiểu chung là quá thấp.

Do đó, thượng tá Trí đề nghị, luật cần quy định rõ và nâng mức hỗ trợ chi trả ngày công lao động cho dân quân tự vệ khi được điều động thực hiện các nhiệm vụ để phù hợp với mặt bằng chung ngày công lao động của người dân, tối thiểu cũng phải đạt 200.000 đồng/người/ngày.

Quy định về Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Đồng tình với quy định tại phương án 1 dự thảo, trung tá Thi Đăng Khoa, Chính trị viên Ban CHQS huyện Châu Thành, phân tích: Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã là công chức cấp xã; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã do sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm là hợp lý, bởi đây là lực lượng có trình độ, chuyên môn, năng lực lãnh đạo tốt hơn. Tuy nhiên, ông Khoa cũng đề nghị cần quy định rõ khi trường hợp trên xảy ra thì chỉ huy trưởng là công chức cấp xã sẽ được xếp vào vị trí nào?

Còn thượng tá Lương Văn Bỉ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phụng Hiệp, cho biết, việc bố trí sĩ quan quân đội đảm nhiệm chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã như phương án 2 dự thảo ngay từ thời bình sẽ không phù hợp với tính chất, đặc thù của dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác, điều đó làm chính quy hóa lực lượng này, làm tăng biên chế. Như vậy, sẽ tăng ngân sách để giải quyết chế độ cho lực lượng này.

Đối với quy định về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tại doanh nghiệp, để đảm bảo nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên Ban CHQS thành phố Vị Thanh, kiến nghị, luật cần quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các doanh nghiệp trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, bởi nếu không quy định rõ thì dễ dẫn đến lãnh đạo một số doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, không muốn xây dựng và duy trì hoạt động lực lượng tự vệ tại đơn vị mình.

“Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) cần bổ sung quy định khen thưởng đối với lực lượng dân quân tự vệ và do Chính phủ quy định, hướng dẫn chi tiết để phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng”, thượng tá Thắng nói.

Quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp

Liên quan đến Luật Lực lượng dự bị động viên, vấn đề cũng được đại biểu quan tâm đề xuất bổ sung là quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ doanh nghiệp, thủ trưởng các đơn vị, tổ chức trong việc tạo điều kiện cho quân nhân dự bị đi tập trung huấn luyện.

Theo đại tá Trần Hùng Tấn, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, có một thực tế là người lao động được đồng ý cho đi thực hiện nhiệm vụ dự bị động viên nhưng khi về có thể sẽ bị mất việc làm do đã có người thay thế. Do đó, nhằm tránh tình trạng chủ doanh nghiệp không tạo điều kiện cho người lao động của đơn vị mình tham gia hoặc cắt giảm thu nhập, cắt hợp đồng lao động.

“Tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm quyền lợi cho người lao động thuộc đối tượng là dự bị động viên, nhất là tính ràng buộc để bảo đảm việc làm, tiếp tục bố trí ổn định, cũng như bảo đảm tiền lương, tiền thưởng sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ dự bị động viên”, đại tá Tấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất bỏ cụm từ “thuộc bộ đội chủ lực” được quy định tại Điều 15 của dự thảo, bởi theo thượng tá Hồ Hữu Trí, nếu quy định độ tuổi không quá 40 cho nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và không quá 35 tuổi cho hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị để sắp xếp vào các đơn vị chiến đấu thuộc bộ đội chủ lực, thì sẽ không còn độ tuổi nào phù hợp để sắp xếp cho bộ đội địa phương.

Đối với phương tiện kỹ thuật được huy động phục vụ nhiệm vụ khi có yêu cầu, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể đây là phương tiện kỹ thuật nằm trong diện bố trí hàng năm từ nguồn ngân sách nhà nước hay là huy động từ Nhân dân để đảm bảo việc đăng ký phương tiện được thực hiện nghiêm túc hơn. Ngoài ra, với những hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Điều 4, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm chế tài xử lý và các nội dung khen thưởng, kỷ luật, nhằm tạo sự đồng bộ với các luật khác.

Dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; nguyên tắc, nhiệm vụ, tổ chức, huấn luyện, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về dân quân tự vệ.

Luật Lực lượng dự bị động viên có 5 chương, 43 điều quy định chi tiết về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Cả hai dự thảo luật trên dự kiến sẽ  trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

 

Bài, Ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>