Hệ lụy từ rượu, bia

11/09/2017 | 10:00 GMT+7

Trong cuộc sống ngày nay, có những người vì quá lạm dụng rượu, bia nên đã dẫn đến những hệ lụy đau lòng.

Ngày 21-8 vừa qua, tại thị trấn Búng Tàu, Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp tổ chức phiên tòa xét xử lưu động về tội “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Võ Hoàng Vũ (sinh năm 1990), ngụ ấp Phương Bình 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, không hài lòng một hai câu nói trong quá trình giao tiếp mà sau khi nhậu xỉn, Vũ điều khiển xe máy đến nhà chị Nguyễn Thị Kim Huệ (sinh năm 1986), ngụ ấp Tân Thành, thị trấn Búng Tàu để tính chuyện phải trái.

Chỉ vì lạm dụng rượu bia, không làm chủ được bản thân mà Vũ vướng vào vòng lao lý. Ảnh: NGỌC ANH

Do có rượu trong người, không làm chủ được bản thân nên giữa Vũ và chị Huệ xảy ra cự cãi. Thấy vậy, bà Nguyễn Thị Ngân (sinh năm 1951) và ông Liên Thanh Liêm (sinh năm 1969), cùng ngụ ấp Tân Thành, vào khuyên can thì Vũ vô cớ kiếm chuyện với bà Ngân. Cả hai xảy ra xô xát, ông Liêm ôm Vũ khuyên bảo thì Vũ cho rằng ông Liêm ôm mình lại để mình bị đánh rồi Vũ quay qua đánh ông Liêm trọng thương.

Theo kết quả giám định thương tích của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh, ông Liêm bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tích 12%. Tại phiên tòa, Vũ thừa nhận: “Do hôm đó bản thân nhậu nhiều nơi, uống quá chén, say xỉn nên không làm chủ được bản thân và không thể ý thức được chuyện mình làm. Sau khi tỉnh rượu được mọi người kể lại thì bản thân rất hối hận trước hành vi của mình”.

Xét thấy những hành vi của đối tượng Vũ là ngoan cố. Dù được nhiều người can ngăn nhưng đối tượng vẫn cố tình thực hiện hành vi của mình nên Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp đã tuyên phạt bị cáo Võ Hoàng Vũ mức án 24 tháng tù giam theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự, đồng thời buộc đối tượng phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân với tổng số tiền 15 triệu đồng.

Kẻ gây án đã bị trừng phạt nghiêm minh của pháp luật, song với những người dân dự phiên tòa ai cũng thấy tiếc nuối cho Vũ. Bởi hắn là người có gia đình và công ăn việc làm ổn định, chỉ vì rượu vào không kiềm chế được hành vi nên dẫn đến việc làm sai trái.

Ông Võ Văn Hiệp, người dân xã Tân Phước Hưng dự phiên tòa cho hay: “Khi nghe cáo trạng của viện kiểm soát thì bản thân nghĩ sự việc cũng chẳng có gì, nếu như người trong cuộc biết kiềm chế cảm xúc của mình. Nếu không có rượu trong người thì có lẽ Vũ sẽ không dẫn đến kết cuộc như hôm nay. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai lạm dụng rượu, bia để rồi hứng chịu hậu quả nặng nề”.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, Công an huyện Phụng Hiệp thụ lý gần 10 vụ cố ý gây thương tích và 100% vụ việc đối tượng gây án đều có sử dụng rượu, bia. Có những trường hợp bạn bè cùng làm thuê, mướn ở chung một nhà, cùng nhậu chung một bàn, nhưng vì rượu vào lời ra, với một vài câu nói không lọt tai mà dẫn đến cự cãi rồi sinh ra ẩu đả. Hậu quả của những vụ việc này là người nằm viện, kẻ lâm vào con đường tù tội.

Đơn cử như vụ cố ý gây thương tích xảy ra vào ngày 22-6 năm nay tại ấp Sậy Niếu A, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp. Đối tượng gây án là Võ Văn Chung (sinh năm 1977), ở xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng và bị hại là ông Võ Bé Tám (sinh năm 1971), ở xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Theo biên bản sự việc, ông Tám và Chung cùng đi làm thuê và sống chung trên một chiếc ghe. Vào lúc 20 giờ ngày 22-6, sau khi Chung đi nhậu về thấy ông Tám đang ở trên ghe, lời qua tiếng lại dẫn đến hai người phát sinh mâu thuẫn. Chung dùng một cây dao trên mui ghe chém một nhát vào mặt (má) trái của ông Tám. Khi bị chém, ông Tám nhảy xuống sông và kêu cứu nên được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Kết quả giám định, ông Tám bị thương tích 53%. Sau khi gây án, đối tượng Chung đã bỏ trốn về địa phương.

Thiếu tá Lê Ngọc Thành, Phó trưởng Công an huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nguyên nhân xảy ra vụ án về cố ý gây thương tích trên địa bàn thời gian qua đa phần đều xuất phát từ rượu bia. Các đối tượng thường không có mâu thuẫn trước, nhưng sau khi nhậu chỉ vì chấp nhất một vài câu nói, không kiểm soát được hành vi rồi sinh ra cự cãi, đánh nhau. Độ tuổi của các bị cáo chiếm phần lớn từ 15-30 tuổi. Sau khi gây án các đối tượng thường được gia đình bao che hoặc tạo điều kiện để rời địa phương nên công tác xử lý của ngành chức năng gặp không ít khó khăn”.

Cũng theo thiếu tá Thành, thời gian tới, để hạn chế án về cố y gây thương tích, Công an huyện sẽ tham mưu với UBND huyện củng cố lại tổ công tác liên ngành, tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là các quán nhậu. Mặt khác, chỉ đạo cho công an các địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các quán nhậu buôn bán quá giờ quy định; kết hợp công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của rượu, bia gây ra để các bậc cha mẹ khuyên răn, giáo dục con em mình, đừng lạm dụng rượu, bia mà gây ra những việc đau lòng.

THANH DUY

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>