Hiệu quả từ phiên tòa rút kinh nghiệm

20/09/2017 | 08:22 GMT+7

Những năm qua, ngành kiểm sát luôn duy trì việc tổ chức các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm. Qua đó, giúp cho kiểm sát viên (KSV) nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử cũng như kỹ năng tranh luận tại phiên tòa.

Buổi họp rút kinh nghiệm của VKSND tỉnh sau phiên xét xử.

Theo quy định của ngành, hàng năm, mỗi KSV kể cả lãnh đạo đơn vị làm công tác hình sự phải tham gia từ 1-2 phiên tòa rút kinh nghiệm. Các đơn vị có thể lựa chọn nhiều hình thức như: Tổ chức ở cấp phòng chuyên môn của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh hay VKSND cấp huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo đơn vị kiểm tra đột xuất các phiên tòa,... Phiên tòa lựa chọn để rút kinh nghiệm là những phiên xét xử vụ án có sự tranh luận về chứng cứ, tội danh và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; áp dụng pháp luật. Đặc biệt, có luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo hoặc bị hại.

Tại các phiên tòa rút kinh nghiệm, yêu cầu đối với mỗi KSV là ghi chép đầy đủ nội dung xét hỏi của hội đồng xét xử, ý kiến của những người tham gia tố tụng trả lời và tích cực, chủ động tham gia xét hỏi để bảo vệ cáo trạng. KSV tập trung vào những vấn đề, tình tiết cần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án; kịp thời bổ sung vào bản dự thảo luận tội để trình bày đầy đủ, toàn diện, phù hợp với diễn biến của vụ án được kiểm tra tại phiên tòa, bảo đảm luận tội có căn cứ, hợp pháp và có tính thuyết phục cao.

Đơn cử như vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh đưa vụ án hình sự ra xét xử đối với Huỳnh Văn Lời về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, KSV đã kiểm sát trình tự, thủ tục phiên tòa, chủ động tham gia xét hỏi làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, bảo vệ quan điểm truy tố của viện kiểm sát. Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, bên cạnh việc phân tích, đánh giá tội phạm, KSV còn kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.

Căn cứ vào kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa; tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo cùng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án từ 12-14 năm tù. Hội đồng xét xử tuyên phạt Huỳnh Văn Lời 12 năm tù về tội giết người. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Viện KSND tỉnh đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm đối với KSV thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Cuộc họp đã chỉ ra những ưu điểm, thiếu sót để cán bộ, KSV hai cấp trên địa bàn tỉnh rút kinh nghiệm chung. Nhất là qua những đóng góp, trao đổi của đồng nghiệp, các KSV có thể nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ thẩm vấn, kỹ năng tranh luận, xử lý tình huống phát sinh. Đồng thời KSV nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của mình trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự tại phiên tòa.

Trên cơ sở ghi nhận các ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm, nghiêm túc trong cuộc họp rút kinh nghiệm, ông Hồ Việt Thắng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, cho biết sẽ báo cáo Viện trưởng VKSND tỉnh chỉ đạo bằng văn bản để KSV hai cấp trên địa bàn tỉnh rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, giúp nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

Theo tổng hợp của VKSND tỉnh, từ khi tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm, KSV các cấp đều chú trọng nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra vụ án, chất lượng bản cáo trạng; 100% vụ án đều chuẩn bị bản luận tội. Tại phiên tòa, KSV chủ động xét hỏi, làm rõ vụ án; các vụ án có luật sư tham gia phiên tòa, KSV đều chuẩn bị dự kiến tình huống tranh luận. Vì vậy, chất lượng xét xử, tranh tụng nâng lên rõ rệt.

Cũng từ phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo các đơn vị thấy được những mặt mạnh và điểm yếu của KSV để theo dõi, đánh giá cán bộ chính xác. Từ đó, phân công cán bộ, KSV phù hợp với từng phiên tòa và có hướng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

YẾN NHI - ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>