Hiệu quả tuyên truyền pháp luật trong nhà trường

18/07/2018 | 08:16 GMT+7

Việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường không chỉ tạo nền tảng thực thi pháp luật hiệu quả trong tương lai, mà còn góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ trên cơ sở tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đông đảo học sinh tham dự buổi sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật tại Trường THPT chuyên Vị Thanh.

Buổi sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật của Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh diễn ra gần đây đã thu hút sự tham gia của gần 500 học sinh. Các em đến đây với mong muốn được tiếp thu những thông tin, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Bằng các dẫn chứng cụ thể, cùng những hình ảnh chân thực liên quan đến các quy định khi tham gia giao thông đường bộ, trung tá Lương Chí Sửng, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh đã đem đến cho các em dự buổi sinh hoạt, tuyên truyền... bầu không khí hào hứng, thích thú và đạt hiệu quả cao.

Nội dung tuyên truyền giúp các em nắm bắt về tình hình trật tự an toàn giao thông, các hành vi vi phạm giao thông phổ biến trong lứa tuổi học sinh; các mức xử phạt; ý thức, trách nhiệm của học sinh khi tham gia giao thông...

Em Trần Thị Cẩm Duyên, học sinh lớp 11H, Trường THPT chuyên Vị Thanh, chia sẻ: “Thông qua những buổi tuyên truyền pháp luật trong trường học như thế này rất bổ ích với học sinh chúng em. Bởi nó chẳng những góp phần bổ sung nhiều kiến thức, mà còn giúp chúng em biết cách phòng tránh, không để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật”.        

Những năm qua, ý thức về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, ngành giáo dục đã đưa nội dung này vào chương trình chính khóa ở cả ba cấp học. Ngoài lồng ghép vào một số bộ môn khác, các nội dung liên quan đến pháp luật được thể hiện rõ nhất ở 2 môn đạo đức và giáo dục công dân. Riêng các trường tiểu học có triển khai mô hình “trường học mới”, học sinh còn được tiếp cận với các vấn đề pháp luật thông qua môn giáo dục lối sống.

Đối với học sinh bậc THPT, các kiến thức pháp luật quan trọng, gần gũi với cuộc sống được đưa vào chương trình bộ môn giáo dục công dân lớp 12. Trong đó, nội dung cơ bản giúp các em hiểu và nhận thức rõ về pháp luật và đời sống, pháp luật với sự phát triển của đất nước, công dân với các quyền tự do cơ bản,...

Cô Huỳnh Huỳnh Bích Ngọc, Trường THPT chuyên Vị Thanh, cho biết, thực tế hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nhiều sự điều chỉnh qua từng năm, nên việc cập nhật nội dung chương trình sách giáo khoa khó có thể thực hiện được thường xuyên. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những văn bản cập nhật, bổ sung theo chương trình học nhằm đảm bảo thông tin chính xác nhất các nội dung pháp luật đến với học sinh.

“Từ năm học 2016-2017, bộ môn giáo dục công dân được đưa vào tổ hợp môn xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Điều này góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong học đường. Bởi trước đây, với tâm lý là môn phụ nên đa phần học sinh không mấy quan tâm, mặn mà với môn giáo dục công dân”, cô Bích Ngọc thông tin thêm.

Còn theo thầy Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Tân Phú, thị xã Long Mỹ, hiện nay các hoạt động tuyên truyền pháp luật tại nhà trường không chỉ giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về pháp luật, mà thông qua các hoạt động này, những học sinh có kiến thức pháp luật tốt sẽ trở thành những tuyên truyền viên trong việc phổ biến đến gia đình, bạn bè cùng nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm, chấp hành pháp luật.

Cũng theo thầy Nguyễn Minh Sơn, khó khăn mà một số nhà trường đang gặp phải trong công tác phổ biến pháp luật chủ yếu là từ hệ thống tài liệu, tủ sách pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền, sinh hoạt pháp luật còn đơn điệu và phải dựa nhiều vào sự phối hợp giữa các đơn vị như ngành tư pháp, công an để tuyên truyền,...

Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường, thời gian tới rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành; sự nhìn nhận đúng đắn về lợi ích của việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên, từ đó đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền mới, đa dạng, hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>