Hiểu về Luật An toàn vệ sinh lao động

14/05/2019 | 08:36 GMT+7

Tai nạn lao động (TNLĐ) là điều không mong muốn trong quá trình lao động, sản xuất. Do đó, để đảm bảo an toàn trong quá trình lao động, người lao động và người sử dụng lao động cần tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.

Thực hiện tốt Luật ATVSLĐ sẽ góp phần giảm thiểu thấp nhất TNLĐ xảy ra đối với ngươi lao động.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) hướng đến mục tiêu phòng ngừa, hạn chế TNLĐ. Tuy nhiên, không phải bất kỳ tai nạn nào trong quá trình làm việc cũng là TNLĐ.

Cụ thể, TNLĐ được định nghĩa tại khoản 8, Điều 3 của Luật ATVSLĐ là: Những tai nạn “gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.

Theo ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trước đây, các vấn đề về TNLĐ được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, trên cơ sở cụ thể hóa một số điều về ATVSLĐ của Bộ luật Lao động năm 2012 và kế thừa các quy định về bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp của Luật Bảo hiểm xã hội. Luật ATVSLĐ ra đời có nhiều điểm quy định rất mới, có lợi hơn không chỉ cho người lao động mà còn cho doanh nghiệp, tổ chức, người sử dụng lao động.

Đơn cử như thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ TNLĐ tại Luật ATVSLĐ có sự thay đổi đáng kể. Như biên bản điều tra TNLĐ trong giải quyết hưởng chế độ TNLĐ được loại bỏ, đáp ứng yêu cầu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc giải quyết chế độ TNLĐ đơn giản, nhanh gọn, giảm bớt trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội trong thực hiện thẩm định hồ sơ, xét duyệt hưởng chế độ.

Một trong những điểm nổi bật của Luật ATVSLĐ còn là quy định khi xảy ra TNLĐ trong doanh nghiệp, người lao động và doanh nghiệp được quyền sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để điều trị TNLĐ theo quy định.

Trước đây, khi chưa có Luật ATVSLĐ, khi xảy ra TNLĐ trong đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí cho người lao động điều trị tại các cơ sở y tế cho đến khi thương tật cũng như sức khỏe thật sự ổn định, bình phục.

Quy định này vừa góp phần giúp người lao động bị TNLĐ vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm y tế, chế độ TNLĐ kịp thời, còn người sử dụng lao động cũng được giảm toàn bộ hoặc một phần chi phí điều trị cho người lao động.

Ông Hồng Xuân Bình cũng cho biết thêm, về phạm vi điều chỉnh, Luật ATVSLĐ năm 2015 mở rộng đối tượng hưởng chế độ TNLĐ phù hợp với đối tượng đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, luật bổ sung đối tượng người lao động làm việc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương và người lao động làm việc không theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, quyền lợi của người lao động cũng tăng nhiều hơn: Như người lao động sẽ có quyền yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc ATVSLĐ tại nơi làm việc; được cung cấp đầy đủ thông tin về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được đóng bảo hiểm TNLĐ...

Ngoài ra, trong quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ tại Điều 45, Luật ATVSLĐ giữ nguyên 3 trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ TNLĐ nhưng bổ sung, diễn giải chi tiết và thực hiện luật hóa một số nội dung tại 2 trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc, trong giờ làm việc và trường hợp bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

Theo đó, trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc bao gồm cả khi người lao động đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động, nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép (nghỉ giải lao, ăn giữa ca, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh...). Ngoài ra, người lao động bị tai nạn giao thông trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý cũng được xem là TNLĐ.

Có thể thấy, Luật ATVSLĐ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với sức khỏe làm việc lâu dài cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động. Đồng thời, luật cũng hướng đến mục tiêu phòng ngừa, hạn chế TNLĐ, bảo đảm quyền lợi, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động và quản lý nhà nước liên quan đến công tác ATVSLĐ. Từ đó, giúp người lao động an tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống.           

Quyền về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động

Theo Điều 6, Luật ATVSLĐ, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây: Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. Còn vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>