Hình phạt nào cho tội phạm tín dụng đen ?

27/06/2019 | 08:18 GMT+7

Tín dụng đen đã được các cơ quan chức năng cảnh báo trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, với cách thức hoạt động tinh vi, thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận... hoạt động này vẫn còn diễn biến rất phức tạp.

Các hình thức vay vốn với thủ tục đơn giản tiềm ẩn nhiều nguy cơ là tín dụng đen.

Có thể hiểu tín dụng đen thực chất là hình thức tín dụng tư nhân chuyên cho vay với mức lãi suất cao, không nằm trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức tín dụng hợp pháp, không theo các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng. Bởi nếu trần lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 9% đến 13%/năm, thì khi tham gia vay tín dụng đen, người vay thường phải chịu mức lãi suất từ 100% đến 200%/năm, thậm chí lên đến 300%/năm.

Thuận lợi của vay lãi suất cao đó là người vay không cần tài sản thế chấp, thủ tục vay đơn giản, thời gian giải ngân nhanh và số tiền được vay theo thỏa thuận. Tuy nhiên, về cơ bản những cá nhân, tổ chức đứng ra cho vay nặng lãi, tín dụng đen đều gắn với các hành vi vi phạm pháp luật, có những tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ quốc gia.

Theo luật gia Phạm Hoài Thu, Hội Luật gia thị xã Ngã Bảy, hiện nay pháp luật đã có những quy định khá cụ thể về việc xử lý hành vi cho vay nặng lãi. Tùy trường hợp, hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, theo khoản 3, Điều 11 Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội thì đối với hành vi cho vay nặng lãi có thể phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng với hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”.

Bên cạnh đó, Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Về lãi suất cho vay, ông Hà Thái Thơ, thư ký Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết, Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

“Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận và không vượt quá 20%/năm, tức không quá 1,66%/tháng. Nếu lãi suất cho vay vượt quá 20% thì được xác định là cho vay nặng lãi”, ông Thơ nhấn mạnh.

Quy định là vậy nhưng việc xử lý hành vi cho vay nặng lãi hiện đang gặp nhiều khó khăn. Bởi theo các cơ quan chức năng, thông thường khó có thể xác định trực tiếp hành vi phạm tội của các chủ nợ tín dụng đen mà chỉ xử lý được đối tượng được thuê đòi nợ về các tội danh như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở người khác… do đòi nợ, xiết nợ theo kiểu xã hội đen.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến việc khó xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi là tâm lý e sợ, không dám tố cáo của người dân. Để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, trước hết phải có người tố cáo, người bị hại. Trong khi đó, trên thực tế người dân vẫn có nhu cầu vay, nhận thức của người đi vay nóng không cao, khi túng quẫn chủ nợ đưa giấy tờ gì thì ký giấy đó...

Theo chia sẻ của một số luật gia, luật sư, để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen nên nghiên cứu điều chỉnh luật theo hướng tăng nặng hơn nữa trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay nếu vượt quá mức lãi suất quy định.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đưa hoạt động cho vay dân sự vào khuôn khổ để dễ quản lý. Trong đó, quy định cho vay dân sự là hoạt động có điều kiện, không phải ai làm cũng được.

Cho vay nặng lãi, tín dụng đen là loại hình tội phạm nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm.

Cùng với đó, trước những lời mời gọi, quảng cáo hấp dẫn của các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, người dân phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng cho vay để không phải trở thành con nợ, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>