Hòa giải viên cần mẫn

25/10/2017 | 08:05 GMT+7

Ông Út Thanh niên (Nguyễn Văn Út) là cái tên thân thương, trìu mến mà nhiều người dân ở ấp Thạnh Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, thường gọi khi bất chợt gặp ông.

Ông Nguyễn Văn Út nói chuyện với người dân về một vụ tranh chấp.

Theo giới thiệu của Phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, chúng tôi tìm về ấp Thạnh Lợi, xã Tân Phú Thạnh để gặp ông Út. Ấn tượng đầu tiên về ông là khả năng ăn nói hoạt bát, hiểu biết, đi vào lòng người. Nhờ uy tín trong ấp, cộng thêm năng khiếu hòa giải, ông Út đã trở thành một trong những hòa giải viên có tiếng trên địa bàn.

 Ông Út năm nay đã ngoài 60, hơn 10 năm làm trưởng ấp, sống gần dân, tiếp xúc với bà con hàng ngày nên ông thường gặp những mâu thuẫn, thậm chí rất nhỏ nhưng cũng dẫn đến xô xát, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm.

Thấy vậy ông buồn lắm, nhưng ông cũng nhận ra rằng, chủ yếu là do người dân chưa hiểu biết pháp luật nên từ chuyện nhỏ dẫn đến chuyện to, rồi chuyện to thành xung đột. Vốn là trưởng ấp, có học sơ qua về luật, cộng thêm vốn hiểu biết về xã hội, ông đi đến quyết định là người đứng giữa, hòa giải những bất hòa của bà con.

Khi gặp các mâu thuẫn, với trách nhiệm của đảng viên, ông Út thường tìm hiểu kỹ nguyên nhân, lựa lời khuyên giải các bên tự kiềm chế, tự ngồi lại với nhau với phương châm: “Trăm điều to không bằng một lời nói nhỏ”. Ông cũng gợi mở cho các bên tự thấy cái đúng, sai để dẹp đi bất hòa.

Mẹo của ông Út là, trước khi “đấm” thì “xoa”, vỗ về. Ban đầu, ông chỉ ra những cái đúng, cái rất được của người này, rồi nhẹ nhàng chỉ ra cái sai của họ và nói họ nên sửa, khiến cho họ cảm thấy... mát lòng mát dạ, sẵn sàng bắt tay với người mà chỉ một giờ trước không nhìn mặt nhau.

Hơn 10 năm qua, không biết bao nhiêu vụ cự cãi trong ấp, xã đã xảy ra, có khi chỉ là con gà sang vườn nhà hàng xóm bươi phá, khi là cái cây ngã qua ranh đất, hay chỉ vì chút ít rượu chè,... nhưng do không kiềm chế nên sinh chuyện. Có vụ ở ấp không giải quyết được, phải đưa lên Ban hòa giải ở xã.

Nhiều tranh chấp, ông Út và các thành viên tổ hòa giải chỉ giải hòa trong 10 phút là xong, nhưng cũng có vụ 2-3 năm, trải qua nhiều đời cán bộ tư pháp xã mới giải quyết ổn thỏa.

Làm hòa giải viên bắt buộc người đó phải gương mẫu, sống đạo đức, không có điều tiếng, như vậy nói người ta mới nghe. Ông Út nói, cái khó của việc hòa giải chính là nhiều người có trình độ thấp. Khi hòa giải, không được nhắc đến luật mà phải nói tình cảm trước, thuyết phục người ta nghe lời. Cho đến khi họ bớt nóng nảy ông mới đưa luật ra áp dụng, khiến cho người dân tâm phục khẩu phục.

Khoảng 5 năm trở lại đây, với tư cách là trưởng ấp, thành viên CLB pháp luật và thành viên Ban hòa giải xã Tân Phú Thạnh, ông Út thường lồng ghép những vấn đề pháp luật liên quan hàng ngày tuyên truyền đến mọi người.

Hôm vừa rồi, gia đình chị H. trong ấp xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng cự cãi nhau nhiều ngày liên tiếp gây mất trật tự. Nghe tin, ông đến nhà rồi gặp riêng anh N., chồng chị H., để tâm sự. Lúc này, anh chồng mới thổ lộ vì ghen mà… đánh vợ, thế là sau một cuộc nhậu giữa hai người đàn ông, anh H. hứa từ nay sẽ không đánh vợ để làm phiền lòng bà con xóm giềng.

Hay như mới tháng trước, nhà bà N. và ông L. xung đột ranh đất, lần này bà N. trồng cây chuối ngã qua ranh đất của ông L., thế là hai bên cự cãi sắp xảy ra đánh nhau. Nghe vậy, ông Út bàn với thành viên trong tổ hòa giải đề nghị hai bên mua sẵn trụ đá, chỉ trong một buổi sáng, hai gia đình đã thống nhất cặm ranh và bắt tay làm hòa.

Với ông Út, việc đi hòa giải là vừa rèn luyện sự mềm mỏng của bản thân, vừa làm việc tốt cho đời. Ông cũng cho hay, một vụ việc chỉ được giải quyết dứt điểm và có hiệu quả cao khi người hòa giải bên cạnh căn cứ vào các chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán còn cần phải nắm vững và vận dụng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là những quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân.

Giúp ích cho đời, ông Út đã nhiều lần được khen thưởng đến nỗi ông không thể nhớ hết. Nhưng với ông, có lẽ phần thưởng cao quý nhất chính là tình đoàn kết, sự bình yên của xóm ấp.

Nói về ông, anh Lê Hữu Nghề, cán bộ tư pháp xã Tân Phú Thạnh, chia sẻ: “Chú Út là người tâm huyết, có uy tín, được bà con trong ấp rất quý trọng, xứng đáng là người hòa giải viên cần mẫn của xã này”.     

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>