Hoàn thiện các quy định về hộ tịch

16/07/2019 | 07:43 GMT+7

Sau gần 4 năm triển khai Luật Hộ tịch, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh từng bước hướng đến chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Ngươi dân đăng ký hộ tịch tại UBND cấp xã.

Chuyển biến tích cực

Ông Nguyễn Tấn Xuyên, công chức tư pháp - hộ tịch xã Đông Phú, huyện Châu Thành, cho biết, qua thời gian triển khai thi hành Luật Hộ tịch, người dân ngày càng có ý thức hơn với các vấn đề hộ tịch liên quan đến cá nhân trước Nhà nước. Trước đây, thường xảy ra tình trạng quá hạn nhưng chưa đăng ký khai sinh hoặc gia đình có người mất nhưng không làm khai tử nay giảm hẳn.

Có thể thấy, từ khi chính thức có hiệu lực đến nay, Luật Hộ tịch đã tạo ra những bước tiến đáng kể trong cải cách các loại giấy tờ, thủ tục hộ tịch. Cụ thể, như việc người dân có thể lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch mà không phụ thuộc vào nơi cư trú. Đáng chú ý, luật quy định công dân được cấp số định danh cá nhân ngay từ khi đăng ký khai sinh. Đây là quy định mang tính đột phá trong quản lý hộ tịch và quản lý dân cư, là tiền đề quan trọng tiến tới mục tiêu cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính...

Đánh giá về hiệu quả triển khai Luật Hộ tịch tại hội nghị sơ kết 6 tháng công tác tư pháp vừa qua, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp, cho rằng, triển khai đi vào cuộc sống, không chỉ ý thức trách nhiệm của công chức làm công tác hộ tịch nâng lên mà nhận thức của người dân đối với đăng ký hộ tịch cũng chuyển biến; tình trạng tùy tiện trong đăng ký hộ tịch được khắc phục đáng kể. Người dân tự giác đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định của pháp luật, tình trạng “sinh không khai, tử không báo” không còn phổ biến; thời hạn giải quyết nhiều sự kiện hộ tịch được rút ngắn.

“Về phía cục, chúng tôi đang đôn đốc đối tác điều chỉnh, cải thiện phần mềm quản lý hộ tịch để có thể nhanh chóng thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến trên toàn quốc đảm bảo hiệu quả, chất lượng”, ông Khanh cho biết.

Tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện pháp luật về hộ tịch thời gian qua còn một số hạn chế nhất định.

Theo chia sẻ của một số địa phương, quy định công dân được lựa chọn nơi đăng ký hộ tịch tạo ra áp lực đối với cơ quan quản lý ở những địa phương có nhiều người tạm trú, lượng công việc tăng lên và độ phức tạp cũng tăng theo; người không có hộ khẩu thường trú dễ biến động, gây khó khăn cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.

Ông Ngô Bửu Thiện, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành, cho biết, thực tiễn, các việc hộ tịch luôn phát sinh hết sức đa dạng. “Nhiều trường hợp tuy là các sự kiện hộ tịch thường xuyên xảy ra như việc sinh, việc tử, việc xác nhận tình trạng hôn nhân, việc thay đổi, cải chính hộ tịch... nhưng lại có nhiều tình tiết phức tạp mà Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa dự liệu và chưa có quy định điều chỉnh, dẫn đến yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân phát sinh những khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết”, ông Thiện chia sẻ.

Đồng tình với nhận xét này, ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, cho rằng, dù Luật Hộ tịch đã được triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất và đạt được những kết quả tích cực nhưng thực tiễn vẫn luôn phát sinh vấn đề phức tạp. Nhiều nhất là việc xác nhận tình trạng hôn nhân, việc sinh, tử, việc thay đổi họ, tên... khi dữ liệu hộ tịch lưu trữ tại các cơ quan quản lý không còn và cũng không có cơ sở thực tế để xác minh. Vì vậy, yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân không được giải quyết kịp thời.

Cũng theo ông Đáp, một số quy định của luật vẫn gây khó khăn cho quá trình áp dụng, đơn cử như tại Điều 4, Luật Hộ tịch giải thích từ ngữ: “Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”. Vậy quê quán của cha hoặc mẹ được xác định như thế nào, theo nơi trưởng thành hay là quê của người cha, người mẹ?

Theo phản ánh từ cơ sở, do điều luật giải thích như vậy nên khi áp dụng vào thực tiễn thì không thống nhất, gây phiền phức cho người dân khi làm thủ tục liên quan đến xác định nguyên quán, quê quán. Nhiều người dân lúng túng không biết ghi quê quán ở đâu. Vì nếu ghi sai, sau này phải mất thời gian điều chỉnh lại.

Chính những quy định chưa rõ ràng, bất cập là một trong những khó khăn cho các địa phương khi giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch. Do đó, cấp có thẩm quyền cần sớm tháo gỡ trong thời gian tới để góp phần hoàn thiện hơn nữa Luật Hộ tịch.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>