Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công

17/07/2017 | 17:03 GMT+7

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ, sáng 17-7, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Ủy ban Các vấn đề xã hội và Báo Đại biểu nhân dân đã tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công (NCC)”.

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất, Chính sách ưu đãi NCC là một chính sách lớn, luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đó là sự đãi ngộ 70 năm qua, các chính sách đó luôn thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của đất nước trong từng giai đoạn và được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật của Nhà nước. Đối tượng được ưu đãi chính sách ngày càng được mở rộng, mức ưu đãi được nâng lên từng bước. Nhờ vậy, đời sống NCC và gia đình được cải thiện ngày càng ổn định. Tuy nhiên, thực tế, hệ thống chính sách pháp luật ưu đãi NCC vẫn tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, chính sách NCC đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành bằng Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 quy định về “Hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Từ năm 1986 đến nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, hệ thống pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội. Chính sách ưu đãi NCC đã từng bước được hoàn thiện về các diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Đến nay đã có 12 diện đối tượng NCC được quy định tại Pháp lệnh, toàn quốc xác nhận hơn 9 triệu NCC. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, mặc dù hành lang pháp lý và cơ chế triển khai thực hiện chính sách ưu đãi NCC đã tương đối đầy đủ, hoàn thiện nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số bất cập. Công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực NCC vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng trong việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi NCC còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới. Trong khi đó, một số vấn đề trong xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho NCC còn chưa được nghiên cứu bổ sung, chưa thống nhất. Thứ trưởng nhận định, những vấn đề liên quan đến NCC là những vấn đề nhạy cảm và phức tạp, do đó để xây dựng hệ thống pháp luật ưu đãi NCC phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, cần phải được tiến hành từng bước, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.

Cũng tại hội thảo, đại diện Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) cho biết, trong 10 năm (2007-2017), Quân đội đã xác nhận cho hơn 1.000 liệt sĩ, cấp giấy chứng nhận cho hơn 7.000 thương binh và gần 6.500 bệnh binh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách đã nảy sinh một số bất cập. Ví dụ như theo quy định Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13, có 12 nhóm đối tượng NCC. Tuy nhiên, theo đại diện của Cục Chính sách thì cần nghiên cứu, bổ sung đối tượng người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế bị đối phương bắt, giam giữ vào nhóm đối tượng “Người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù, đày” (theo quy định hiện hành, mới chỉ quy định cho người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù, đày). Ví dụ khác, tại điểm 1, khoản 1, Điều 17, mục 3 và điểm g, khoản 1, Điều 27, mục 6 Nghị định 31 của Chính phủ về xác nhận liệt sĩ, thương binh lại quy định hẹp hơn với đối tượng có cùng điều kiện tương ứng và thực tế nhiệm vụ quân đội. Theo đại diện của Cục Chính sách, vướng mắc, bất cập lớn nhất về thủ tục, hồ sơ, giải quyết chế độ với NCC còn tồn đọng. Do lịch sử, điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước, trình độ quản lý với thời gian chiến tranh kéo dài, ác liệt, nhiều thời kỳ nên nhiều hồ sơ, thủ tục không đáp ứng được yêu cầu của quy định hiện nay, nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh công phu mới có căn cứ để xem xét, giải quyết...

Tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu phân tích thực trạng tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi NCC. Hội thảo cũng đã tập trung làm rõ những sửa đổi, bổ sung pháp luật các văn bản hướng dẫn hiện hành; xây dựng và ban hành luật ưu đãi NCC với cách mạng; các vấn đề liên quan đến xác định đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, xem xét công nhận NCC; trách nhiệm trong quá trình xây dựng hồ sơ và đề nghị công nhận đối với NCC với cách mạng; nguồn lực thực hiện.

Theo THU HƯƠNG/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>