Hỏi - đáp về an toàn vệ sinh lao động

03/06/2020 | 04:01 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Trách nhiệm của bên cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động được quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 65 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì trách nhiệm của bên cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:

1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Thỏa thuận với bên thuê lại lao động trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động thuê lại nhưng không được thấp hơn so với người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau; đưa các nội dung đã thỏa thuận trên vào hợp đồng cho thuê lại lao động và thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật này;

b) Phối hợp và kiểm tra bên thuê lại lao động thực hiện việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại. Trường hợp bên thuê lại lao động không thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng cho thuê lại lao động đã ký kết, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người lao động thuê lại;

c) Lưu giữ hồ sơ về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến người lao động thuê lại; thực hiện báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 của Luật này.

2. Bên thuê lại lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng thuê lại lao động; không được phân biệt đối xử về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình;

b) Khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động thuê lại, phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân, đồng thời thông báo ngay với doanh nghiệp cho thuê lao động và thực hiện khai báo, điều tra theo quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật này;

c) Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại theo quy định của Luật này, trừ trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã tổ chức huấn luyện phù hợp với công việc mà người lao động thuê lại được giao; định kỳ 6 tháng, hằng năm, tổng hợp tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại gửi doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

d) Phối hợp với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong việc điều tra tai nạn lao động; lưu giữ các hồ sơ về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến người lao động thuê lại.

Hỏi: Vấn đề an toàn, vệ sinh lao động tại nơi có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm được quy định như thế nào ?

Đáp: Theo quy định tại Điều 66 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì “Tại nơi làm việc có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc thì chủ dự án hoặc chủ đầu tư phải tổ chức để những người sử dụng lao động cùng lập văn bản xác định rõ trách nhiệm của từng người trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động và cử người để phối hợp kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động”.

Hỏi: Vấn đề an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được quy định như thế nào ?

Đáp: Theo quy định tại Điều 66 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì vấn đề an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được quy định như sau:

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Điều này bao gồm người lao động Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người sử dụng lao động cử đi và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Người sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của pháp luật nước sở tại và phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Bảo đảm thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động được quy định tại Luật này; trường hợp quy định của nước sở tại về những chế độ này có lợi hơn cho người lao động thì thực hiện theo quy định của nước sở tại;

b) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại trong việc tiến hành điều tra tai nạn, bệnh tật xảy ra cho người lao động;

c) Đối với tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng thì phải cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động của cấp tỉnh ở Việt Nam tại nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động.

3. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Hỏi: Trong cơ sở sản xuất, kinh doanh có cần phải bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và thành lập bộ phận an toàn, vệ sinh lao động không ?

Đáp: Tình hình xảy ra sự cố trong cơ sở sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại lớn về người và tài sản đang có chiều hướng gia tăng nhất là cháy, nổ, sập công trình… do đó, cần phải bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, bộ phận an toàn, vệ sinh lao động để tránh sự cố xảy ra.

Theo Điều 72 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định như sau:

1. Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc thành lập bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.

2. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bộ phận an toàn, vệ sinh lao động có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phòng, chống cháy, nổ;

b) Xây dựng, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hằng năm; đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;

c) Quản lý và theo dõi việc khai báo, kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

d) Tổ chức thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; sơ cứu, cấp cứu, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

đ) Tổ chức tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động; điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;

e) Chủ trì, phối hợp bộ phận y tế tổ chức giám sát, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại;

g) Tổng hợp và đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết kiến nghị của đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra và người lao động về an toàn, vệ sinh lao động;

h) Phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của an toàn, vệ sinh viên;

i) Tổ chức thi đua, khen thưởng, xử lý kỷ luật, thống kê, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động.

3. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, bộ phận an toàn, vệ sinh lao động có quyền sau đây:

a) Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc có thể quyết định tạm đình chỉ công việc trong trường hợp khẩn cấp khi phát hiện các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động;

b) Đình chỉ hoạt động của máy, thiết bị không bảo đảm an toàn hoặc đã hết hạn sử dụng;

c) Được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham dự lớp huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

4. Người làm công tác an toàn, vệ sinh, lao động phải có chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật và có hiểu biết về thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

5. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh không bố trí được người hoặc không thành lập được bộ phận an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này thì phải thuê các tổ chức có đủ năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện các nhiệm vụ an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 2 Điều này.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>