Hướng đến xây dựng nền quốc phòng vững mạnh

23/07/2018 | 09:56 GMT+7

Với hơn 88% tổng số đại biểu có mặt tán thành, dự án Luật Quốc phòng năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Luật có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Luật Quốc phòng năm 2018 với nhiều điểm mới sẽ hướng đến xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh hơn.

Luật Quốc phòng năm 2018 gồm 7 chương, 40 điều, giảm 2 chương, 11 điều so với Luật Quốc phòng năm 2005; được đánh giá là luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và đối ngoại.

Chú trọng phát triển khoa học và công nghệ trong quốc phòng

Trong đó quy định đầy đủ, toàn diện chính sách nhà nước về quốc phòng (Điều 4) nhằm bảo đảm công khai, minh bạch về tính chất, mục đích quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt luật đã bổ sung quy định chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cũng như bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng, nổi bật là quy định cấm phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quốc phòng (Điều 6).

Đối với nền quốc phòng toàn dân, Luật Quốc phòng năm 2018 quy định cụ thể 11 nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân (khoản 2, Điều 7). Đồng thời bổ sung quy định về các biện pháp chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Liên quan đến phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ, luật đã bổ sung quy định về phòng thủ quân khu (Điều 8) để phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, tạo hành lang pháp lý và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong xây dựng và hoạt động phòng thủ thời gian qua.

Tạo hành lang pháp lý rõ ràng

Về nội dung kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, kinh tế - xã hội với quốc phòng, Luật Quốc phòng năm 2018 quy định đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong việc cho ý kiến, tham gia thẩm định đối với việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án của các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời quy định một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng.

Với công tác quốc phòng ở bộ, ngành và địa phương, luật quy định bộ, ngành Trung ương có ban chỉ huy quân sự (khoản 2, Điều 16) làm việc theo chế độ kiêm nhiệm để tham mưu và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng; còn đối với địa phương thì cơ quan thường trực công tác quốc phòng là cơ quan quân sự địa phương cùng cấp (khoản 3, Điều 16).

Còn những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân trong thực hiện lệnh thiết quân luật (khoản 6, Điều 21), giới nghiêm (khoản 5, Điều 22) cũng được quy định phù hợp với Điều 14, Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Riêng nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân, luật quy định đầy đủ các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân (khoản 2, Điều 24) nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, khắc phục chồng chéo về nhiệm vụ của quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ trong các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang.

Bảo đảm nguồn lực phục vụ quốc phòng

Luật cũng quy định phải bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, tài sản phục vụ quốc phòng, bảo đảm phục vụ quốc phòng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại (chương V) bảo đảm toàn diện, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng được giao các nhiệm vụ cụ thể trong duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 2, Điều 35). Các nội dung này bảo đảm thống nhất với Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân,…

Ngoài ra, Luật Quốc phòng năm 2018 đã luật hóa một số quy định tại một số văn bản dưới luật về quốc phòng, an ninh, phòng thủ dân sự, bảo đảm hiệu lực pháp lý cao hơn.

Luật Quốc phòng năm 2018 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>