Khi rút tố cáo, người tố cáo không được hưởng một số quyền

08/01/2019 | 07:40 GMT+7

Theo Luật Tố cáo (sửa đổi), từ ngày 1-1-2019, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo.

Thanh tra tỉnh tổ chức tập huấn, triển khai các quy định mới về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Rút một phần hoặc toàn bộ nội dung

Luật Tố cáo (sửa đổi) quy định rõ, việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định.

Trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo thì người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ việc giải quyết (trừ trường hợp được quy định trong luật). Nếu cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan thì người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo.

Cũng theo quy định của luật, trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo thì tố cáo vẫn tiếp tục được giải quyết.

Khi đã rút tố cáo, người tố cáo không được hưởng quyền và không phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định. Điều này có nghĩa, người tố cáo không được hưởng các quyền như được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ; được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo…

Ngoài ra, người tố cáo cũng không phải có nghĩa vụ như cung cấp thông tin cá nhân; cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra…

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật vẫn giải quyết

Để bảo đảm chặt chẽ trong quy định về rút tố cáo, tránh việc rút tố cáo do bị dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc hoặc rút tố cáo để trốn tránh trách nhiệm do cố ý tố cáo sai sự thật, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, Luật Tố cáo (sửa đổi) quy định cụ thể điều kiện, yêu cầu của việc rút tố cáo, trách nhiệm giải quyết tố cáo.

Cụ thể, khoản 3, Điều 33 quy định, trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.

Trong trường hợp người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật về hành vi tố cáo của mình; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

Quá thời hạn, tố cáo chưa được giải quyết, xử lý thế nào ?

Nếu quá thời hạn (30 ngày kể từ ngày thụ lý, không quá 60 ngày đối với vụ việc phức tạp và không quá 90 ngày với vụ việc đặc biệt phức tạp) mà tố cáo chưa được giải quyết, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có văn bản yêu cầu người giải quyết tố cáo báo cáo về quá trình giải quyết tố cáo, lý do về việc chậm giải quyết tố cáo và xác định trách nhiệm giải quyết tố cáo.

Kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp, trong thời hạn 5 ngày làm việc, người giải quyết tố cáo phải gửi báo cáo theo quy định; tiếp tục giải quyết tố cáo theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp và báo cáo kết quả giải quyết.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc giải quyết tố cáo; thông báo cho người tố cáo biết về việc xem xét, giải quyết tố cáo; áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với người có thẩm quyền mà không giải quyết tố cáo theo đúng thời gian quy định. Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo.

   Đ.BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>