Khó xử lý xe… “vô chủ”

01/10/2018 | 08:08 GMT+7

Do người vi phạm chọn cách bỏ phương tiện, không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên số phương tiện giao thông bị tạm giữ quá thời gian giải quyết tăng nhanh.

Các phương tiện vi phạm quá thời hạn tạm giữ tồn đọng ngày càng nhiều tại kho của Phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh.

Kho giữ phương tiện của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, Công an tỉnh có diện tích 300m2 nhưng chứa đến hơn 400 phương tiện vi phạm. Do lưu giữ trong nhiều năm nên có những phương tiện cũ mất biển kiểm soát; số máy, số khung gỉ sét không còn nhận ra.

Trung tá Đoàn Minh Luân, Phó phòng CSGT đường bộ, cho biết, có nhiều nguyên nhân người vi phạm chọn cách không nộp phạt để nhận lại phương tiện như: mức phạt do lỗi vi phạm cao, thậm chí cao hơn rất nhiều lần so với giá trị phương tiện, do người vi phạm ở xa,…

Một số trường hợp do phương tiện được chuyển nhượng, tặng cho mà không thực hiện thủ tục sang tên; phương tiện thuộc diện mua đi bán lại nhiều lần, không đủ giấy tờ hợp pháp hoặc một số phương tiện bị lực lượng chức năng tạm giữ có dấu hiệu hình sự nên người vi phạm cũng không quay lại cơ quan chức năng để nộp phạt, nhận lại phương tiện.

Với số lượng xe… “vô chủ” như vậy nên ngoài 2 kho chứa sẵn có, Phòng CSGT đường bộ phải thuê thêm một số kho bên ngoài để chứa xe chờ xử lý. Tuy nhiên, việc thẩm định xe để bán hóa giá phải mất nhiều thời gian và chi phí.

Theo quy định, thời hạn tạm giữ các phương tiện vi phạm là 7 ngày. Quá thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến thi hành quyết định xử phạt, nhận lại phương tiện mà không có lý do chính đáng hoặc trong trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể mất đến nửa năm để hóa giá một phương tiện. Trong khi đó, quy trình thanh lý cũng qua nhiều khâu như định giá, thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu, với sự có mặt đầy đủ của các cơ quan chức năng công an, tài chính, tư pháp. Ngoài ra, một số phương tiện chỉ có giá trị như… phế liệu, dù không đủ điều kiện kỹ thuật để tham gia giao thông nhưng về luật vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục.

Vì thế, số lượng xe mô tô tồn đọng ngày càng tăng qua từng năm, tập trung nhiều tại các huyện Long Mỹ (685 xe), huyện Phụng Hiệp (688 xe), thị xã Ngã Bảy (290 xe). Qua đó, gây lãng phí, khó khăn cho cơ quan công an trong việc điều tra, xác minh, đối chiếu hồ sơ phương tiện vi phạm và phương tiện thực tế để phục vụ công tác bán hóa giá, gây tốn kém trong việc trông giữ, đấu giá tài sản theo quy định.

“Hiện đơn vị còn gần 700 phương tiện vi phạm quá thời hạn tạm giữ đã qua nhiều giai đoạn, nhiều người quản lý, sử dụng, không còn hồ sơ quản lý, mục nát chưa được giải quyết. Cái khó cho đơn vị là do trụ sở mới không có đất xây kho bãi nên số phương tiện này hiện được gởi nhờ kho tạm giữ của Công an thị xã Long Mỹ”, trung tá Võ Quốc Nghĩa, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự cơ động, Công an huyện Long Mỹ, thông tin.

Ngoài gây lãng phí cho cơ quan công an thì tình trạng người vi phạm không nộp phạt, nhận lại phương tiện còn là hành vi thiếu trách nhiệm, xem thường pháp luật. Thế nhưng, để các phương tiện không biến thành phế liệu trong các kho tạm giữ cần có những giải pháp linh hoạt.

“Đơn vị đề xuất thời gian tới, đối với các xe không còn giá trị hoặc giá trị sử dụng thấp thì không cần qua giám định. Bên cạnh đó, cần giảm thời gian thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng xuống còn 15 ngày, thay vì 30 ngày như hiện nay. Quan trọng là sự tham gia phối hợp tích cực của các đơn vị liên quan trong việc ban hành quy chế để hướng dẫn rõ ràng, thủ tục đơn giản hơn nhằm giải quyết xe tồn đọng quá hạn”, trung tá Đoàn Minh Luân nhấn mạnh.

Tính đến hết tháng 8 năm nay, tại các điểm giữ phương tiện vi phạm của Phòng CSGT đường bộ và Đội CSGT công an các địa phương, số phương tiện vi phạm bị tạm giữ quá thời hạn là hơn 5.540, chủ yếu là xe mô tô. Trong đó, khoảng 57% là số phương tiện quá thời hạn tạm giữ bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước (bán hóa giá).

 

Bài, ảnh: HOÀI XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>