Khó xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp

20/09/2018 | 09:07 GMT+7

Các vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tư pháp có xu hướng tăng nhưng việc xử phạt hiện gặp khá nhiều khó khăn.

Công dân đến thực hiện thủ tục tư pháp - hộ tịch tại UBND cấp xã.

Nguyên nhân là do một số quy định tại Nghị định 110/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp… (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2015) khó thi hành trong thực tế.

Cụ thể, các vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình như ngoại tình, tổ chức tảo hôn, nhận con nuôi… hầu như rất ít xử phạt, ngoại trừ những trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Thậm chí, các trường hợp bị phát hiện thì mức xử phạt cũng khá thấp. Đơn cử như vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, chỉ xử phạt tối thiểu là 1 triệu đồng, trường hợp nghiêm trọng mới lên đến 20 triệu đồng.

Với hành vi nội dung của bản chính để yêu cầu chứng thực bản sao; sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung của giấy tờ, văn bản được dịch để yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch nhưng chỉ bị phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng. Trong khi đó, một số hành vi vi phạm hoạt động nghề công chứng cũng chỉ bị phạt từ 1-3 triệu đồng…

 Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, nói việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực tư pháp hiện gặp khá nhiều khó khăn do mức xử phạt thấp, thiếu răn đe; một số quy định còn chưa đồng bộ.

Chẳng hạn, quy định về hành vi vi phạm hành chính trong đăng ký khai sinh (khoản 1, Điều 27, Nghị định số 110/2013): “Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định”. Trong khi ở khoản 1, Điều 15 Luật Hộ tịch về trách nhiệm đi đăng ký khai sinh: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”.

“Như vậy, phạt cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký là khó xác định chủ thể vi phạm”, ông Đáp lý giải.

Trên một số lĩnh vực như công chứng chưa có quy định rõ hành vi công chứng ngoài trụ sở là như thế nào? Hoặc trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản còn một số quy định cần sửa đổi, nhất là phải nâng mức xử phạt đối với hành vi thông đồng, dìm giá; hành vi ồn ào, gây mất trật tự tại phiên đấu giá... mà thực tế thường xảy ra.

Qua thực tiễn thi hành trên địa bàn tỉnh và để gỡ vướng cho việc thực hiện Nghị định 110/2013 và Nghị định 67/2015, góp phần tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước, UBND tỉnh đã có kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần mở rộng, nâng cao thẩm quyền xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và hành vi vi phạm trên từng lĩnh vực; hạn chế các hình phạt cảnh cáo vì thiếu tính răn đe.

Ngoài ra, cũng cần quy định biện pháp cụ thể để xử lý những trường hợp như: người vi phạm trốn tránh trách nhiệm và các trường hợp chậm hoặc không thi hành quyết định xử phạt nhằm đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đạt hiệu quả cao nhất.

Thực ra, không hẳn là chưa đủ các quy định pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực tư pháp mà là việc áp dụng trên thực tế các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực này chưa thực hiện một cách triệt để. Cụ thể một số trường hợp chính quyền địa phương chưa nhận thức rõ được trách nhiệm của mình đối với việc xử lý các vi phạm, đôi lúc biết rõ vi phạm nhưng không tiến hành xử lý do e ngại, có tâm lý nể nang, tình làng nghĩa xóm...

Việc bổ sung các quy định, cũng như giải thích rõ hơn về một số hành vi vi phạm và tăng mức phạt là điều hết sức cần thiết. Nhưng trước hết, cán bộ, công dân phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, như vậy công tác tư pháp mới được triển khai có hiệu quả trên thực tế.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>