Kiểm sát viên giỏi

09/08/2017 | 08:38 GMT+7

Chị Lê Ánh Nguyệt, kiểm sát viên sơ cấp, Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành A, nhiều năm liền được đánh giá có hoạt động tiêu biểu, hiệu quả; là chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2010, 2011, 2012...

Chị Lê Ánh Nguyệt (đứng, bìa trái) thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự tại một phiên tòa lưu động ở huyện Châu Thành A.

Tháng 9-2004, chị Nguyệt tốt nghiệp cao đẳng kiểm sát hệ chính quy tại Thành phố Hồ Chí Minh; ngày 1-10-2004, được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre tuyển dụng. Tháng 1-2009, lập gia đình và chị chuyển về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang, tháng 11-2009 được bổ nhiệm kiểm sát viên sơ cấp phụ trách thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự.

Kết quả công tác từ khi được bổ nhiệm đến nay chị đều đạt và vượt chỉ tiêu giao, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, góp phần đưa đơn vị 8 năm liền (2009-2016) đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.

Năm 2012, khi có Quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh về tuyển chọn kiểm sát viên giỏi, kiểm sát viên tiêu biểu, chị mạnh dạn đăng ký dự thi. “Điều này một mặt để trau dồi kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, một mặt để phấn đấu thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, chị Nguyệt kể. 

Khi qua vòng sơ tuyển, chính thức có tên dự thi kiến thức pháp luật và nghiệp vụ của ngành, chị đã học tập nghiêm túc, tự giải đáp các bài tập và trực tiếp trao đổi với đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm để giải đáp những bài tập khó, còn nhiều quan điểm trái ngược nhau. Kết quả, chị đạt số điểm cao nhất, được công nhận là kiểm sát viên giỏi, kiểm sát viên tiêu biểu của ngành kiểm sát nhân dân tỉnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, chị Ánh Nguyệt cũng rất cẩn trọng, giải quyết đúng thời hạn và đúng quy định, không để xảy ra oan, sai hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng do có lỗi của kiểm sát viên.

Qua thời gian công tác, chị rút ra được một số kinh nghiệm về các đức tính như:

Cẩn trọng: Do tất cả các giai đoạn tố tụng của vụ án đều liên quan trực tiếp đến quyền của con người nên mọi thao tác nghiệp vụ đều phải cẩn trọng, bình tĩnh xử lý đúng pháp luật và Quy chế nghiệp vụ của ngành; không vội vã nhất là không được cẩu thả, mọi quyết định đều phải kiểm sát, nghiên cứu thực tế trên hồ sơ và các điều kiện khác có liên quan đến việc giải quyết từng vụ án.

Quyết đoán: Khi xác định tội danh, chứng cứ đối với những vụ án phức tạp thì cần phải mạnh dạn đề xuất, nếu đủ điều kiện phê chuẩn thì cương quyết thực hiện; ngược lại thấy chưa đủ điều kiện thì cũng cần cương quyết từ chối phê chuẩn.

Bản lĩnh nghề nghiệp: Bản lĩnh kiểm sát viên không chỉ đối với tội phạm mà còn phải cương quyết, khôn khéo với điều tra viên, với thẩm phán trong định hướng điều tra, đánh giá chứng cứ và bảo vệ quan điểm truy tố trước tòa thông qua kỹ năng tranh luận với luật sư, người bào chữa, với bị cáo…

Quá trình khởi tố vụ án, bị can đều phải thông qua việc kiểm sát và phê chuẩn của viện kiểm sát cùng cấp, vì vậy đây là giai đoạn quan trọng nhất trong các giai đoạn giải quyết án. “Nếu công tác phê chuẩn đúng pháp luật thì không xảy ra oan sai và đi liền với phê chuẩn là yêu cầu điều tra đối với vụ án, bị can và những vấn đề quan trọng khác nhằm định hướng cho được việc giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện. Làm được điều này sẽ hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo thời hạn kết thúc điều tra, tạo thuận lợi cho giai đoạn truy tố, xét xử và cũng thể hiện được mục tiêu trong cải cách tư pháp đối với ngành là “Tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, chị Nguyệt đúc kết.

T.T lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>