Kinh nghiệm trong thực hiện Luật Tiếp công dân

23/10/2017 | 08:28 GMT+7

Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân. Tại đây, có nhiều ý kiến về cách làm hay trong thực hiện Luật Tiếp công dân được các đại biểu chia sẻ.

Công tác tiếp công dân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên

Ông Lê Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: Thực hiện Luật Tiếp công dân, Nghị định số 64 của Chính phủ và Chỉ thị số 35 ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường luôn xác định công tác tiếp công dân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, công tác tiếp công dân phải gắn với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện Luật Tiếp công dân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 315 và số 316 ngày 14/9/2015 về việc phân công cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân và nội quy tiếp công dân của Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, hàng ngày có cán bộ trực tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan. Giám đốc tiếp dân định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, lịch tiếp dân được đưa lên trang thông tin điện tử của sở để người dân biết liên hệ. Địa điểm tiếp công dân được bố trí tại nơi thuận tiện, có trang thiết bị phục vụ cho công tác tiếp công dân. Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp dân trên 100 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Khi tiếp công dân luôn lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của công dân, nếu thuộc thẩm quyền giải quyết sẽ chỉ đạo phòng chuyên môn giải quyết và có văn bản trả lời cho công dân được biết từ đó tạo được lòng tin của công dân vào Đảng và Nhà nước. Khi giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền trước khi ban hành quyết định giải quyết, Giám đốc Sở tổ chức đối thoại trực tiếp với dân để vụ việc giải quyết được khách quan và hợp tình, hợp lý tạo được sự đồng thuận của dân.

Kinh nghiệm xử lý tình huống khiếu nại đông người

Bà Trần Thị Loan, Phó trưởng Ban Tiếp công dân - Văn phòng UBND tỉnh, chia sẻ: Tình hình khiếu nại đông người gần đây có phát sinh nhiều, đây là vấn đề nhạy cảm, nếu không chủ động, không có biện pháp sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh giải quyết có hiệu quả, vừa qua Ban Tiếp công dân tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền địa phương tiến hành gặp, tiếp xúc với công dân để nghe nhân dân trình bày tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị, yêu cầu khiếu nại, tố cáo. Nếu nhiều người cùng khiếu nại một nội dung vụ việc thì hướng dẫn và đề nghị cử người đại diện trình bày, các sở, ban, ngành và địa phương theo chức năng của mình hướng dẫn, giải thích các yêu cầu đặt ra, nếu các vụ việc không thể trả lời ngay được sẽ ghi nhận và hẹn thời gian trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp thông qua việc gặp gỡ, đối thoại, các vụ việc vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết. Nếu phát sinh trường hợp khiếu nại đông người mà công dân có yêu cầu phải gặp lãnh đạo tỉnh (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) thì Ban Tiếp công dân ghi nhận, báo cáo xin ý kiến lãnh đạo tỉnh sắp xếp thời gian hợp lý để tiếp theo yêu cầu. Một số trường hợp công dân không chấp hành thực hiện nội quy, quy chế tiếp công dân hoặc có hành vi khác gây mất an ninh trật tự, Ban Tiếp công dân sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiên trì giải thích, vận động, thuyết phục để nhân dân kiềm chế bức xúc, thực hiện đúng các quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo quy định của pháp luật. Sau khi đã vận động, giải thích nếu công dân tiếp tục có hành vi vi phạm thì Ban Tiếp công dân sẽ đề nghị lực lượng công an bảo vệ an ninh, trật tự và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Xác định tiếp công dân là quan trọng

Ông Lê Văn Khởi, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: Mặc dù huyện chưa có trụ sở tiếp công dân cấp huyện riêng, biên chế thiếu so với mặt bằng chung của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và còn 2 đơn vị hành chính cấp xã hoạt động ở trụ sở tạm nhưng Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm và bố trí một phòng làm việc của Văn phòng HĐND và UBND huyện làm nơi tiếp công dân của huyện, đồng thời trang bị các trang thiết bị phục vụ cho công tác này. Văn phòng HĐND-UBND phân công công chức trong biên chế hiện có của đơn vị kiêm nhiệm thực hiện. Các xã bố trí địa điểm tiếp công dân tại phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã và được huyện trang bị cơ sở vật chất để thực hiện tốt công tác này. UBND cấp xã phân công công chức tư pháp kiêm công tác tiếp công dân. Huyện ủy, UBND huyện không ngừng củng cố, chấn chỉnh nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, không để xảy ra dư luận, bất bình, phản ánh của người dân, thể hiện quan điểm “Dân là gốc”. Nơi tiếp công dân chính là nơi cán bộ, thủ trưởng các cấp tiếp nhận các thông tin phản hồi về các chủ trương, chính sách triển khai. Qua tiếp công dân, cán bộ Đảng, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của nhân dân để có những cơ chế, chính sách, quy chế quản lý phù hợp với tình hình địa phương. Qua 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân, lãnh đạo huyện không ngừng quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt luật đã đáp ứng yêu cầu của người dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị tại địa phương, mang lại quyền lợi thiết thực của người dân. Đồng thời thể hiện vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện đối với nhân dân thông qua công tác tiếp công dân, giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thấy được những tồn tại để sửa chữa những bất cập trong hệ thống hành chính, nên công tác tiếp công dân tại huyện luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước của huyện trong thời gian qua.

Tại buổi hội nghị vừa qua, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: Qua 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân, công tác tiếp công dân có nhiều tiến bộ, đảm bảo tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất theo quy định và đáp ứng yêu cầu của công dân. Từ tỉnh đến cơ sở bố trí, sắp xếp trụ sở, nơi tiếp công dân, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu. Bộ máy, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân được củng cố, tăng cường, đa số cán bộ có phẩm chất đạo đức, tâm huyết và hiểu biết rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời hướng dẫn, giải thích các phản ánh, kiến nghị của công dân, giúp công dân đảm bảo thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định. Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò của mình trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ tịch UBND các cấp đảm bảo tiếp công dân định kỳ theo quy định và theo yêu cầu của công dân. Đặc biệt, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức định kỳ “Việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp xúc, đối thoại với công dân”. Qua đó, hàng năm Hậu Giang duy trì tỷ lệ giải quyết khiếu nại đạt từ 90% trở lên, góp phần giữ vững, ổn định tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển.

 

PHI YẾN ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>