Lỡ chơi hụi rồi thì phải có chứng cứ bảo vệ mình

04/04/2019 | 08:36 GMT+7

Từ một hình thức huy động vốn hiệu quả, dần dà, hụi đã bị biến tướng, trở thành hình thức “cho vay nặng lãi” âm ỉ ở một số nơi. Và rồi, những vụ vỡ hụi xảy ra khiến không ít gia đình lâm vào cảnh bế tắc trong cuộc sống...

Một vụ bể hụi gây xôn xao dư luận trên địa bàn thị xã Long Mỹ trước đây.

Chơi hụi từ lâu là một hình thức góp vốn hiệu quả, bởi thông qua đó, các thành viên (hụi viên) trong nhóm dễ dàng có được khoản tiền kha khá bằng cách “góp tiền lẻ thành tiền chẵn” và chịu lãi từ những người tham gia. Ưu điểm của góp hụi là giúp hụi viên huy động vốn dễ dàng, thuận tiện hơn vay; khi tham gia vào một nhóm nhất định, sẽ có người đứng ra làm chủ hụi.

Thông thường, hụi viên quyết định tham gia dây hụi nào đều nhìn vào uy tín, khả năng chi trả, tài sản sẵn có của người làm chủ. Lòng tin này dẫn đến việc khi đóng tiền thì các bên làm giấy viết tay sơ sài, thậm chí mọi giao dịch tiền bạc có lúc chỉ từ một thông báo miệng.

Qua những vụ vỡ hụi cho thấy, dù chiêu trò cũ nhưng chủ hụi vẫn “bẫy” được nhiều nạn nhân. Ban đầu, chủ hụi cố tình phô trương, lu loa về khả năng kinh tế của mình để hụi viên tin tưởng giao tiền mà không cần biên lai. Sau đó, chủ hụi chỉ đánh dấu vào sổ hụi và thanh toán cho hụi viên nào đến kỳ hốt hụi. Thấy lãi cao, nhiều hụi viên dốc hết tiền, thậm chí vay ở ngân hàng để có tiền chơi hụi. Đến khi chủ hụi ôm tiền bỏ trốn hoặc tuyên bố bể hụi, nạn nhân mới tá hỏa.

Với thủ đoạn trên, đã có nhiều nạn nhân sập bẫy, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Có người vì mất của nên phát bệnh, gia đình lục đục, thậm chí tìm đến cái chết. Chuyện nạn nhân của những vụ bể hụi kéo đến các cơ quan chức năng khiếu nại, tố cáo, kiện tụng cũng từng xảy ra…

Như trường hợp vợ chồng anh Phạm Đ.T., ở ấp Trường Thọ A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A. Năm 2013, sau khi hốt mấy kỳ hụi, vợ chồng mua sắm đủ thứ đồ đạc trong nhà, đồng thời chơi tiếp 6 chân hụi giá trị vài triệu đồng/chân.

Tin tưởng chủ hụi, lại quyết tâm hốt chót để làm giàu, vợ chồng anh T. tìm mọi cách, thậm chí thế chấp cả sổ đỏ cho ngân hàng vay 450 triệu đồng để chơi nên mỗi tháng đóng lãi ngân hàng hơn 3 triệu đồng.

Đầu năm 2018, thời điểm gần đến lượt hốt chót cũng là lúc chủ hụi là bà D. âm thầm… bỏ trốn. Vợ chồng anh T. lao đao, đi nhiều nơi khiếu nại nhưng đều không có kết quả. Hậu quả là anh thiệt hại trên 600 triệu đồng.

Một trường hợp khác, không là hụi viên, mà làm chủ nhiều dây hụi là vợ chồng ông Nguyễn V.L., ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cũng nhận kết quả buồn. Cụ thể, từ năm 2014, do là chủ hụi có nhiều chân hụi từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng/chân, vợ, chồng anh L. được  nhiều hụi viên với đủ thành phần vào chơi.

Lần nọ, vợ chồng anh đồng ý cho một hụi viên hốt liên tiếp 2 kỳ đầu do quen biết. Sau đó, người hốt hụi đi không trở lại, rồi nhiều trường hợp như vậy tiếp tục xảy ra, chủ hụi là anh L. lãnh đủ. Sau một thời gian, gia đình phải cầm cố, bán tài sản nhưng vẫn chưa trả hết nợ cho hụi viên; bản thân anh L. phải đi làm thuê kiếm tiền trả nợ ngân hàng.

Hiện nay, mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tranh chấp, đưa ra tòa xét xử về hụi, liên quan đến hụi. Thậm chí, có người là cán bộ, đảng viên vướng vào hụi dẫn đến sai phạm, bị xử lý theo quy định. Nhiều bản án được tòa án phán quyết buộc chủ hụi trả tiền cho các nạn nhân nhưng quá trình lấy lại tiền là không hề dễ dàng.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sơn Duy Oai chia sẻ: “Hàng năm, các cơ quan thi hành án dân sự ở tỉnh tiếp nhận thi hành án hàng chục vụ việc về hụi, liên quan đến chơi hụi. Vấn đề là đa số các chủ hụi - người bị thi hành án không còn tài sản nên rất khó, thậm chí không thi hành được. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân nên hạn chế tham gia chơi hụi để tránh tiền mất nợ mang; đồng thời tích cực tham gia đấu tranh, tố giác khi phát hiện có dấu hiệu, hành vi gian dối hay lừa đảo trong chơi hụi”.

Còn ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, nhận định: “Từ những vụ vỡ hụi xảy ra, người dân cần nâng cao cảnh giác, không tham gia các nhóm hụi, đường dây hụi có dấu hiệu bất thường. Khi lỡ vướng vào, cần phải có các tài liệu liên quan như sổ hụi, trong đó thể hiện rõ tên, địa chỉ của chủ hụi và các hụi viên, phần hụi, kỳ mở, thể thức góp vốn, số tiền hoặc tài sản khác đã góp hoặc đã lãnh hụi… để qua đó có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình nếu có tranh chấp hụi phát sinh.

Qua thực tế các vụ vỡ hụi cho thấy, thay vì có sự tương trợ lẫn nhau giữa những người chơi hụi thì ở nhiều nơi việc chơi hụi bị biến tướng thành hình thức huy động vốn, cho vay lãi nặng. Phổ biến hơn, nhiều chủ hụi đã tự ghi thêm hụi viên không có thật rồi sau đó giật hụi, tuyên bố bể hụi nhằm chiếm đoạt tiền. Từ một trong những lý do này mà Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019, có hiệu lực từ ngày 5-4, để ngăn ngừa các tiêu cực có thể phát sinh.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>