Luật cảnh vệ: Lực lượng cảnh vệ phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ

17/05/2018 | 08:06 GMT+7

Ngày 16-5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Luật Cảnh vệ; Luật Đường sắt và Luật Chuyển giao công nghệ. Đây là 3 đạo luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018 - khung pháp lý quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực trên. Luật Cảnh vệ ra đời kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ hiện hành và pháp điển hóa nhiều nội dung về cảnh vệ. 

Quanh cảnh hội nghị triển khai Luật Cảnh vệ.

Theo đó, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Đối tượng cảnh vệ được luật này quy định là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bao gồm: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng cảnh vệ cũng gồm khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam bao gồm: Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại; khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trên cơ sở có đi có lại.

Ngoài ra, khu vực trọng yếu cũng là đối tượng cảnh vệ như: Khu vực làm việc của Trung ương Đảng; khu vực làm việc của Chủ tịch nước; khu vực làm việc của Quốc hội; khu vực làm việc của Chính phủ; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; và sự kiện đặc biệt quan trọng: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; kỳ họp của Quốc hội; phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam…

Lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng gồm: Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an; cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng.

Lực lượng này có nghĩa vụ, trách nhiệm tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ; tuyệt đối giữ bí mật về công tác cảnh vệ, thực hiện nghiêm biện pháp cảnh vệ; thường xuyên học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện thể lực để hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình khi thực hiện công tác cảnh vệ.

Lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Công an có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ trong mọi tình huống; chủ động thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ; tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Công an ban hành văn bản để thực hiện công tác cảnh vệ; tổ chức phối hợp, hiệp đồng triển khai phương án, kế hoạch bảo vệ; hướng dẫn các lực lượng liên quan thực hiện công tác cảnh vệ…

Trong khi đó, lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ do quân đội đảm nhiệm trong mọi tình huống; chủ động thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ; tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác cảnh vệ trong quân đội; chủ trì, phối hợp, hiệp đồng với đơn vị có liên quan triển khai phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ khi đến thăm, làm việc trong khu vực do quân đội quản lý. Có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Công an và các lực lượng liên quan để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ do quân đội đảm nhiệm.

Để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ trong khuôn khổ luật pháp, luật này chế định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ được nổ súng trong một số trường hợp nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cụ thể, cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả; vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ…

Trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó, trừ trường hợp phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Và cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ huy động người, phương tiện có trách nhiệm hoàn trả phương tiện ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Nếu người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách quy định của luật này; trường hợp phương tiện được huy động bị mất mát, hư hỏng thì cơ quan có cán bộ, chiến sĩ huy động phải đền bù theo quy định của pháp luật…

Luật Chuyển giao công nghệ quy định:  Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

- Lợi dụng chuyển giao công nghệ làm ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, sức khỏe con người, môi trường, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.

- Chuyển giao công nghệ cấm chuyển giao; chuyển giao trái phép công nghệ hạn chế chuyển giao.

- Vi phạm quy định về quyền chuyển giao công nghệ.

- Lừa dối, giả tạo trong việc lập, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung công nghệ trong hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư.

- Cản trở, từ chối cung cấp thông tin về hoạt động chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Tiết lộ bí mật công nghệ trái quy định của pháp luật, cản trở hoạt động chuyển giao công nghệ.

- Sử dụng công nghệ không đúng với công nghệ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép.

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>