Luật Giáo dục nghề nghiệp: Gần 4 năm áp dụng và những kết quả cụ thể

31/05/2019 | 09:13 GMT+7

Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015 được áp dụng trên địa bàn tỉnh đến nay ghi nhận nhiều kết quả quan trọng.

Dạy nghề ở Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh.

Theo đó, trong giai đoạn 2014-2018, Hậu Giang được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất với tổng nguồn kinh phí 2,95 tỉ đồng (Trung ương đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị tại Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh). Tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo Nghị định số 69/2008 của Chính phủ. Song nhìn chung, cơ sở vật chất, phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, thiết bị đào tạo đối với một số ngành, nghề hiện vẫn còn thiếu; đặc biệt là các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp vừa chuyển sang lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Mặc dù có những khó khăn nhưng nhằm đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng GDNN, các cơ sở GDNN đã chủ động triển khai thực hiện việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực; tích hợp kiến thức, kỹ năng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.

Các cơ sở GDNN còn tập trung phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; phối hợp với doanh nghiệp trong giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, tác phong công nghiệp.

Chương trình đào tạo GDNN trình độ cao đẳng, trung cấp được quy định cụ thể về chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; cách thức đánh giá kết quả học tập đối với từng mô-đun, tín chỉ, môn học, từng ngành, nghề phù hợp và xây dựng chuẩn đầu ra theo khung năng lực, trình độ…

Song song với đào tạo là triển khai thực hiện chính sách đối với người học ở địa phương rất cụ thể.

Đó là thực hiện nghiêm Nghị định số 86/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Hiện nay, tất cả học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề trình độ trung cấp đều được miễn toàn bộ học phí và được vay vốn theo Quyết định số 157/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật; người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia học cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở GDNN cũng được hưởng chính sách nội trú bao gồm: học bổng chính sách, mua đồ dùng cá nhân, đi lại… theo Quyết định số 53/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn chung, qua thực hiện các chính sách nêu trên đã tạo động lực thu hút học sinh, sinh viên học nghề hàng năm, tạo điều kiện giúp học sinh, sinh viên an tâm học tập.

Tỉnh còn quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định. Thực hiện nghiêm túc chính sách hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn; chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Trong giai đoạn 2014-2018, tỉnh đã triển khai đào tạo nghề cho 41.373 người, trong đó, cao đẳng, trung cấp 4.354 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 22.855 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2018 lên 49,13%, cung cấp nguồn nhân lực khá dồi dào cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, Hậu Giang còn tập trung đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Cụ thể, tất cả các lớp nghề lĩnh vực phi nông nghiệp đều được các cơ sở đào tạo nghề ký hợp đồng đào tạo cung ứng lao động qua học nghề cho các đơn vị sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau học nghề. Từ đó, giúp cho người lao động có việc làm, vươn lên khá giàu...

Để đạt những kết quả trên, công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện quy định của Luật GDNN thời gian qua được các cấp, các ngành rất quan tâm; mạng lưới cơ sở, tổ chức bộ máy GDNN được kiện toàn; quản lý, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo được chú trọng.

Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động GDNN được các cấp quan tâm nhằm đánh giá thực trạng việc áp dụng đúng các quy định của pháp luật về GDNN, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và sử dụng lao động tại các cơ sở GDNN...

Ngoài những kết quả đạt được, công tác tuyển sinh học nghề ở Hậu Giang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong tuyển sinh trình độ cao đẳng nghề; một số nghề trọng điểm quốc gia có số lượng tuyển sinh hạn chế; công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp dù được quan tâm nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn, tỷ lệ học sinh vào học cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống GDNN hàng năm còn thấp.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề còn thiếu, một số nghề tại các trường trong tỉnh được đầu tư thiết bị đào tạo đã nhiều năm nên lạc hậu so với điều kiện thực tế. Nhà giáo giỏi, nghệ nhân, đội ngũ kỹ thuật có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề chiếm số lượng ít.

Báo cáo về Trung ương những nội dung trên và các vấn đề liên quan, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo nghề.

UBND tỉnh cho biết cũng đang xây dựng Đề án sáp nhập Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh vào Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh và sẽ sớm trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét với mục tiêu tỉnh có 1 trường cao đẳng công lập, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>