Luật Tố cáo năm 2018: Có xử lý đối với tố cáo nặc danh ?

17/08/2018 | 09:31 GMT+7

Từ ngày 1-1-2019, Luật Tố cáo năm 2018 chính thức có hiệu lực, thay thế Luật Tố cáo năm 2011. Theo đó, một điểm thay đổi đáng chú ý của luật là đối với các tố cáo nặc danh sẽ được xem xét giải quyết trong một số trường hợp.

Một buổi họp xem xét giải quyết nội dung tố cáo của công dân của Đoàn công tác liên ngành giải quyết khiếu nại, tố cáo tỉnh.

Theo nguyên tắc, đơn tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo; qua kiểm tra xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng tên của người khác để tố cáo hoặc đơn không đúng hình thức thì sẽ không được thụ lý giải quyết.

Tuy nhiên, tại Điều 25, Luật Tố cáo năm 2018 quy định, trường hợp thông tin tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Như vậy, các cơ quan có thẩm quyền vẫn phải thụ lý giải quyết đối với các đơn tố cáo nặc danh, mạo danh nếu các đơn tố cáo này có đầy đủ chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh.

Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp nhận, xử lý tố cáo, nếu thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc thông báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Ngoài ra, một điểm mới được bổ sung quan trọng của Luật Tố cáo năm 2018 là việc công dân có quyền tố cáo cán bộ, công chức đã nghỉ việc.

Cụ thể, tại Điều 2 của luật bổ sung thêm đối tượng bị tố cáo là người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức và những đối tượng không còn được giao thực hiện công vụ nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian được giao thực hiện công vụ.

Cùng với đó, người tố cáo còn được bổ sung thêm quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

Về kết luận nội dung tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 quy định chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời hạn xử lý kết luận tố cáo được quy định chậm nhất là 7 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo và tiến hành việc xử lý tố cáo.

Đối với quy định về thời hạn giải quyết tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 cũng giảm thời hạn giải quyết tố cáo từ 60 ngày xuống 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp chỉ được gia hạn thêm 1 lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo

Tại Điều 8, Luật Tố cáo năm 2018 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo, bao gồm: Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo; thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo; tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; can thiệp trái pháp luật, cản trở việc giải quyết tố cáo; đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo; cố ý tố cáo sai sự thật, cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ người khác tố cáo sai sự thật,... 

Nếu người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>