Một số kết quả và vướng mắc trong thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính

21/11/2017 | 08:45 GMT+7

Theo UBND tỉnh, năm 2017, tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực và tính chất, mức độ, hình thức vi phạm ngày càng tinh vi, đa dạng...

Kiểm tra hành chính người tham gia giao thông ở huyện Châu Thành A. Ảnh: N.TÂN

UBND tỉnh đánh giá, công tác xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) theo quy định của Luật XLVPHC đang dần đi vào nề nếp, các vụ việc vi phạm bị phát hiện cơ bản được xử lý kịp thời, theo đúng trình tự, thủ tục xử phạt quy định. Việc thực hiện các quy định về XLVPHC theo luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã bước đầu đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về XLVPHC.

Theo đó, tổng số vụ vi phạm hành chính trong năm là 23.845 vụ, đã xử phạt 22.663 vụ, chưa xử phạt 1.081 vụ; truy cứu trách nhiệm hình sự 40 vụ, áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên 61 vụ…

Cơ quan chức năng đã ban hành tổng số 24.286 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, đã thi hành 22.960 quyết định với tổng số tiền thu được 23,6 tỉ đồng; số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu là 83,7 triệu đồng; còn 1.326 quyết định vi phạm chưa thi hành xong.

Phạt tiền là hình thức xử phạt chính thường xuyên được áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính; hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng nhưng không thường xuyên, do chỉ áp dụng trong các trường hợp vi phạm ít nghiêm trọng. Các hình thức xử phạt áp dụng đều đem lại hiệu quả và mang tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm, góp phần hạn chế tình hình vi phạm.

Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Các cấp, các ngành đã chủ động phối hợp chặt chẽ, đảm bảo áp dụng biện pháp xử lý hành chính đúng trình tự pháp luật. Trong quá trình xử lý hành chính đã kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, góp phần răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Lĩnh vực trọng tâm năm 2017 thi hành pháp luật về các biện pháp XLVPHC: Thực hiện Luật XLVPHC, Nghị định số 81/2013/CP, Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2016 về Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch số 11/UBND ngày 24/01/2017 về quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC năm 2017 trên địa bàn, với nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến 2 biện pháp xử lý hành chính: Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện nghiêm túc kế hoạch trên. Đồng thời thực hiện việc áp dụng các quy định pháp luật về XLVPHC thuộc lĩnh vực quản lý; thường xuyên kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong công tác XLVPHC; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo đúng thời gian quy định.

Trong năm 2017 đã triển khai thực hiện công tác áp dụng các biện pháp xử lý hành chính với tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 247 đối tượng, tăng 69 đối tượng so cùng kỳ. Trong đó, giáo dục tại xã, phường, thị trấn 202 đối tượng, tăng 26 đối tượng so với 6 tháng cùng kỳ năm 2016; đưa vào trường giáo dưỡng 5 đối tượng, tăng 4 đối tượng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc 1 đối tượng; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 39 đối tượng, tăng 39 đối tượng…

UBND tỉnh cũng cho biết đang gặp những khó khăn, vướng mắc trong thực tế về công tác phòng, chống ma túy.  Theo đó, khoản 3, Điều 103 Luật XLVPHC và khoản 1, Điều 11 Nghị định số 221/2013 ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, quy định sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Áp dụng quy định trên đa số người nghiện bỏ trốn sau khi nhận được thông báo, gây khó khăn trong việc thi hành quyết định.

Điều 131 Luật XLVPHC quy định việc giao cho gia đình (đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định) quản lý người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không thực hiện được trong thực tế, vì việc quản lý số đối tượng này gặp nhiều khó khăn, nếu để cho gia đình quản lý thì không quản lý được và đối tượng tiếp tục sử dụng ma túy trong thời gian chờ lập hồ sơ, vì gia đình của người nghiện không đủ khả năng và điều kiện để quản lý người nghiện ma túy.

Bên cạnh đó có một số địa phương còn sử dụng những mẫu biểu cũ, thiếu đồng bộ gây ảnh hưởng đến công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm theo Nghị định số 221/2013 ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tỉnh không có Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và Quản lý sau cai nên việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải gửi nhờ Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và quản lý của thành phố Cần Thơ.

Theo Nghị định số 221/2013 về vấn đề chính sách cho người nghiện quy định còn gặp khó trong thực hiện. Người nghiện tự nguyện cai nghiện (cắt cơn, giải độc) tại cơ sở cai nghiện thì phải tự chịu chi phí, còn người nghiện cai nghiện bắt buộc thì được Nhà nước chi trả, nhưng đa số người nghiện tự nguyện cai nghiện không thể tự chi trả vì hoàn cảnh khó khăn, chỉ thuộc đối tượng được quy định mới được hỗ trợ chi phí này...

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>