Nâng cao chất lượng đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng

23/09/2020 | 08:36 GMT+7

Những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp trên địa bàn tỉnh luôn xác định phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác kiểm sát. Từ đó, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp phòng ngừa và đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh với loại tội phạm này.

Một vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử.

Theo thống kê của Viện KSND tỉnh, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất ít (khoảng 1%) trong tổng số tội phạm xảy ra trên địa bàn nhưng các tội phạm về tham nhũng thường gây hậu quả lớn, không chỉ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước mà còn làm giảm sút, xói mòn lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo ra những dư luận xấu trong xã hội.

Do đó, để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, ngành KSND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, tòa án và các cơ quan chức năng khác trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng và giải quyết án tham nhũng, đặc biệt là trong giải quyết những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm.

Ông Hồ Việt Thắng, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cho biết: Án tham nhũng là loại án phức tạp, nhạy cảm, bởi đối tượng phạm tội trong các vụ án tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, đa số có nhận thức sâu rộng, am hiểu về pháp luật, tội phạm tham nhũng thường rất tinh vi, vì thế tính chất phức tạp trong cuộc chiến chống tham nhũng luôn được quan tâm.

Đơn cử như vừa qua, Viện KSND thị xã Long Mỹ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với vụ án bị cáo Trần Hữu Việt bị truy tố về tội nhận hối lộ.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 4-2019 đến tháng 9-2019, bị cáo Việt được phân công phê duyệt các hồ sơ liên quan đến đất đai như chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất… lợi dụng chức vụ, quyền hạn được phân công, Việt gọi điện, nhắn tin xin tiền của anh K. và L., do sợ Việt sẽ gây khó khăn, chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ nên anh K. đã đưa cho Việt số tiền 4,5 triệu đồng, anh L. đưa hối lộ số tiền 1 triệu đồng. Sau khi nhận được số tiền hối lộ, bị cáo Việt sử dụng vào việc tiêu xài cá nhân và thực hiện việc phê duyệt hồ sơ đất đai đúng hạn.

Tại phiên tòa, trước lập luận chặt chẽ của kiểm sát viên thực hành quyền công tố, bị cáo Việt nhận tội. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động khắc phục hậu quả, do đó, Hội đồng xét xử thống nhất đề nghị của đại diện viện kiểm sát, tuyên bị cáo Việt 12 tháng tù về tội nhận hối lộ.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, hai cấp kiểm sát tỉnh còn thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử với một số vụ việc tội phạm tham nhũng điển hình như: vụ tham ô tài sản xảy ra tại UBND phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ do Phạm Thị Kham La thực hiện; vụ Nguyễn Võ Nhật Vy, phạm tội tham ô tài sản tại Bưu điện xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ; vụ Nguyễn Thành Tân, phạm tội tham ô tài sản tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Long Mỹ…

Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng, kiểm sát viên hai cấp đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ hồ sơ, chuẩn bị tốt nội dung tham gia xét hỏi và tranh luận với luật sư, người bào chữa, bị cáo. Qua đó, công tác giải quyết các vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh thời gian qua không để xảy ra trường hợp oan sai, đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội. Đường lối xét xử đối với các vụ án về tội phạm tham nhũng bảo đảm tính nghiêm minh, không có vướng mắc giữa các cơ quan tố tụng về quan điểm xử lý; các vụ án đã khởi tố điều tra, xử lý về tội tham nhũng không có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện KSND tỉnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, các đối tượng liên quan đến tội phạm tham nhũng cũng sẽ sử dụng các thủ đoạn tinh vi hơn để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; cố ý làm trái những quy định, quy trình công tác để vụ lợi; việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế...

Do đó, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng; cũng như thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, theo ông Trần Quang Khải, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng.

“Sẽ thường xuyên thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ của cán bộ ngành kiểm sát. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo liên quan về tham nhũng từ quần chúng, cơ quan, tổ chức theo thẩm quyền. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện tốt công tác kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật”, ông Trần Quang Khải nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>