Nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự

18/09/2019 | 08:35 GMT+7

Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ các bản án, các quyết định bị hủy, sửa.

Một vụ việc dân sự về tranh chấp đất đai được xét xử tại tòa.

Theo đơn vị này, hiện nay, số lượng vụ việc dân sự trên địa bàn ngày càng tăng về số vụ và phức tạp về tính chất. Trong đó, lượng án mà tòa án phải thụ lý giải quyết rất lớn, tăng lên theo từng năm (trên 5.000 vụ/năm) với nhiều tranh chấp phức tạp. Tuy nhiên, tòa án hai cấp đã cố gắng khắc phục khó khăn, áp dụng đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, làm tốt việc hướng dẫn, giải thích pháp luật cho các bên đương sự về quyền, nghĩa vụ của mình để qua đó đạt nhiều kết quả tích cực.

Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh, cho biết, hiện nay đa phần các vụ việc dân sự đều có tính chất phức tạp. Để đảm bảo chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu công việc, tòa án phải tiến hành xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, định giá tài sản... Điều này khiến cho việc hoàn thiện hồ sơ phải mất rất nhiều công đoạn, thủ tục, nhất là đối với án sơ thẩm.

“Do vậy, trước mỗi vụ án, đòi hỏi mỗi thẩm phán phải nghiên cứu, xây dựng kế hoạch xét xử một cách hết sức nghiêm túc, chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa hủy án, sửa án”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, để nâng cao chất lượng giải quyết, thời gian qua, thẩm phán TAND hai cấp tỉnh luôn thực hiện tốt công tác thu thập chứng cứ, tài liệu và lựa chọn thời điểm hòa giải thích hợp.

Cụ thể, trong năm 2018, TAND hai cấp đã tiến hành hòa giải thành 2.896/4.735 vụ việc; còn 8 tháng đầu năm 2019 đã hòa giải thành trên 1.800 vụ việc. Các vụ việc dân sự khi được giải quyết đã làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, hàn gắn tình làng nghĩa xóm.

Theo bà Mạc Thị Chiên, Chánh án TAND huyện Châu Thành A, để có được kết quả hòa giải thành công cao, trước khi tiến hành hòa giải, các thẩm phán phải thu thập thông tin, tìm rõ vấn đề mấu chốt của sự việc, nắm vững kiến thức pháp luật và tập quán của từng địa phương. Ngoài ra, quá trình hòa giải phải luôn tôn trọng ý kiến của các bên đương sự; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các bên, đặt vấn đề để các bên suy nghĩ, bàn bạc, từ đó tìm ra hướng để giải quyết mâu thuẫn.

Song song đó, với những vụ việc hòa giải không thành phải đưa ra xét xử, các thẩm phán, hội thẩm nhân dân tòa án hai cấp cũng phối hợp nhịp nhàng trong điều khiển phiên tòa, đặc biệt là kỹ năng điều hành tranh tụng, tạo điều kiện cho đương sự tranh tụng để tìm ra sự thật khách quan để có quyết định đúng đắn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình giải quyết các vụ việc dân sự vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Trong đó, yếu tố khách quan là số lượng án tăng theo từng năm và ngày càng phức tạp; nhiều vụ án kéo dài chưa giải quyết với lý do đương sự không hợp tác (không cho đo đạc, định giá, cố tình vắng mặt...), nhiều vụ án phải chờ kết quả ủy thác tư pháp.

Trong khi đó, việc ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án. Một số vụ án có yếu tố nước ngoài, việc tống đạt, triệu tập và thu thập chứng cứ mất rất nhiều thời gian hoặc không có kết quả, dẫn đến án tồn đọng kéo dài; một số vụ tranh chấp đất đai có nhiều tình tiết phức tạp, cơ quan liên quan chậm cung cấp thông tin, trả lời xác minh của tòa án.

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ việc dân sự trong thời gian tới, theo ông Trương Đình Nghệ, Chánh án TAND tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo TAND cấp huyện trong quá trình giải quyết vụ việc phải tuân thủ, xem xét kỹ lưỡng trình tự thủ tục theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự và nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Các thẩm phán phải không ngừng nâng cao trình độ về kỹ năng thu thập, đánh giá chứng cứ trong vụ việc dân sự. Về phía TAND tỉnh sẽ chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ xét xử; nâng cao trách nhiệm của các thẩm phán đối với từng vụ việc cụ thể nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng để quá hạn đối với án dân sự.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>