Nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở

06/11/2017 | 07:32 GMT+7

Thực tế cho thấy, ở đâu làm tốt công tác hòa giải cơ sở thì ở đó an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy.

Một buổi tập huấn công tác hòa giải ở cơ sở tại thị xã Ngã Bảy.

Gắn kết tình làng nghĩa xóm 

Toàn tỉnh có 539 tổ hòa giải với 3.420 hòa giải viên. Trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên. Mạng lưới tổ hòa giải được kiện toàn, 100% ấp, khu dân cư có tổ hòa giải. Các tổ hòa giải đã đảm bảo tốt chức năng hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân.

Xã nông thôn mới Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A hiện có 8 tổ hòa giải tại 8 ấp. Trong đó, các hòa giải viên đều là trưởng ấp, bí thư chi bộ, cán bộ mặt trận, thành viên các đoàn thể… Ông Lê Hữu Nghề, cán bộ tư pháp xã Tân Phú Thạnh, cho biết: “Từ nhiều năm qua, vai trò của tổ hòa giải đã phát huy mạnh mẽ, giải quyết được nhiều mâu thuẫn trong ấp, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng. Nhờ có các tổ hòa giải mà số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn xã hạn chế rất nhiều”.

Còn tại thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, nhắc đến công tác hòa giải là nhiều người nhớ ngay đến chị Phạm Thị Xuân, ở ấp Nhơn Xuân.

Hiện nay, dù đang đảm nhiệm công việc trong chi hội phụ nữ ấp, bận bịu với canh tác hơn chục công vườn, nhưng mỗi khi có thời gian là chị tham gia công tác hòa giải ở địa phương. Nhiều năm gắn bó với công tác này, chị thấy khó nhất là những vấn đề tranh chấp về đất đai và hôn nhân - gia đình. Nhiều cuộc hòa giải không chỉ đem cái lý, cái tình hàng xóm, tình nghĩa anh em ra mà còn phải vận dụng các điều khoản của pháp luật để thuyết phục các bên.

Chị Xuân chia sẻ: “Hòa giải thường ở trong ấp nên trước hết phải nghĩ rằng không có người thắng, người thua, mà chủ yếu để giải quyết các mâu thuẫn, tạo sự bình yên, gắn kết tình cảm xóm giềng”.

Và với chị, công tác hòa giải đã tạo ra niềm vui cho chính những hòa giải viên khi mâu thuẫn được hóa giải, tình làng nghĩa xóm ngày càng khăng khít.

Nâng cao chất lượng

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở tương đối đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai thi hành. Bên cạnh đó, do đặc điểm lịch sử, truyền thống dân tộc luôn coi trọng và xem hòa giải là phương án tối ưu để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ xóm ấp, vì thế việc tiến hành hòa giải luôn nhận được sự đồng thuận cao của các bên trong tranh chấp; kết quả hòa giải có xu hướng bền vững và được các bên tuân thủ.

Đối với Hậu Giang, công tác hòa giải được tổ chức từ lâu. Hoạt động phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ trong thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải.

Sau 3 năm Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 10 tháng đầu năm 2017, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và hòa giải gần 900 vụ việc, trong đó hòa giải thành đạt gần 90%. Qua đánh giá tình hình thực hiện hòa giải ở cơ sở, có thể nhận thấy, cơ bản các mâu thuẫn đều được tổ hòa giải thụ lý, giải quyết ngay tại cơ sở, góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài hoặc vượt cấp.

Tuy  nhiên, do sự phát triển của kinh tế,  mức độ đô thị hóa nhanh, hệ thống đường giao thông phát triển mở rộng… khiến cho đất đai trở thành tài sản có giá trị lớn, dẫn tới tình trạng tranh chấp trong lĩnh vực đất đai ngày càng phổ biến, tính chất phức tạp hơn. Điều đó đòi hỏi những người làm công tác hòa giải ở cơ sở phải thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới và cần được bồi dưỡng về kỹ năng hòa giải nhằm hạn chế tối đa những vụ việc hòa giải không thành, phải chuyển lên cấp trên.

Theo Sở Tư pháp tỉnh, qua hơn 3 năm Luật Hòa giải ở cơ sở được triển khai thi hành, đã có hơn 3.000 lượt hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng. Đội ngũ hòa giải viên được cung cấp đầy đủ tài liệu tuyên truyền, phổ biến nghiệp vụ, việc cấp phát sách cho tủ sách pháp luật được duy trì. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các hòa giải viên và người dân tiếp cận, nghiên cứu vấn đề liên quan đến pháp luật.

Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn về kỹ năng, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Đây được xem là một trong những cơ sở, điều kiện thuận lợi để công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa.

Theo Luật Hòa giải ở cơ sở, hòa giải cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm theo quy định pháp luật. Hòa giải cơ sở phải được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên; bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư… Đồng thời, việc hòa giải phải đảm bảo khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin các bên theo quy định.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>