Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật

16/08/2018 | 07:47 GMT+7

Hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh đã và đang đáp ứng được nhu cầu tư vấn pháp luật (TVPL) rộng rãi của người dân. Tuy nhiên, mô hình này cũng dần bộc lộ những hạn chế nhất định, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh phù hợp.

Tư vấn viên của Trung tâm TVPL, Hội Luật gia thị xã Ngã Bảy nghiên cứu hồ sơ tư vấn một vụ việc.

Hiện toàn tỉnh có 7 trung tâm TVPL được thành lập và đăng ký hoạt động theo Nghị định 77/2008 của Chính phủ. Các trung tâm được tổ chức theo 3 loại hình: Tư vấn miễn phí hoàn toàn, có thu thù lao và hỗn hợp (vừa miễn phí, vừa thu thù lao). Lĩnh vực được các trung tâm thực hiện chủ yếu là các vấn đề pháp lý về dân sự, hành chính, hình sự, thương mại,… với nhiều hình thức tư vấn như trực tiếp tại trụ sở, tư vấn qua điện thoại, tổ chức tư vấn lưu động…

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết, với mức phí thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế, do đó các trung tâm TVPL đã và đang phát huy được hiệu quả trong xã hội, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách.

Được thành lập và đi vào hoạt động năm 2016, Trung tâm TVPL, Hội Luật gia thị xã Ngã Bảy là tổ chức TVPL đầu tiên trên địa bàn. Từ những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, đến nay, sau gần 3 năm hoạt động, trung tâm đã trở thành địa chỉ TVPL tin cậy của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Ông Phạm Hoài Thu, Giám đốc Trung tâm TVPL thị xã, chia sẻ: Ngày đầu mới thành lập chúng tôi gặp không ít khó khăn khi người dân chưa hiểu chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của trung tâm, trong khi đó, trang thiết bị làm việc, các văn bản luật, tài liệu chưa có, kinh phí hoạt động cũng rất hạn chế. Song với lòng nhiệt tình trong công việc, đặc biệt là đội ngũ cán bộ của trung tâm đều là những luật gia, tư vấn viên có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình. Đến nay, trung tâm đã có thể tự đảm bảo cân đối ngân sách hoạt động thông qua các hoạt động hỗ trợ, TVPL.

Cùng với Trung tâm TVPL, Hội Luật gia thị xã Ngã Bảy, Trung tâm TVPL, Hội Luật gia tỉnh hay Trung tâm TVPL Trường Trung cấp luật Vị Thanh hiện nay cũng được xem là các trung tâm hoạt động có hiệu quả và là địa chỉ đáng tin cậy trong công tác TVPL ở tỉnh. 

Bên cạnh những mặt thuận lợi, qua thời gian hoạt động, các trung tâm TVPL hiện cũng dần bộc lộ những hạn chế nhất định.

Ông Phạm Hoài Thu chia sẻ thêm, xuất phát từ việc hình thành bởi tổ chức chủ quản mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích lợi nhuận và chủ yếu phục vụ tư vấn pháp luật nên quy mô các trung tâm TVPL hiện nay thường nhỏ, hoạt động còn hạn chế và không có sự năng động như các tổ chức hành nghề luật sư hay tổ chức pháp lý khác.

Theo đại diện một số trung tâm TVPL, có những khó khăn khác là các tư vấn viên pháp luật hiện không được tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và đương sự dẫn đến hạn chế kết quả TVPL, khiến tư vấn viên pháp luật không thể theo giải quyết đến cùng vụ việc tư vấn.

Để mô hình Trung tâm TVPL có thể phát huy tối đa hiệu quả cũng như phù hợp với tính chất hoạt động của các tổ chức chủ quản trong bối cảnh phát triển hoạt động luật sư, trợ giúp pháp lý, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng phạm vi hoạt động của trung tâm TVPL và tư vấn viên pháp luật. Cùng với đó là tạo điều kiện thêm cho các trung tâm chủ động trong việc nhận thù lao đối với cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện việc TVPL theo mức phí quy định.

Đồng tình với những đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho rằng, nếu thực hiện được các vấn đề trên sẽ mang đến sự chủ động trong hoạt động cho các trung tâm TVPL, giúp trung tâm cải thiện, mở rộng hoạt động cũng như nâng cao chất lượng tư vấn để đáp ứng nhu cầu xã hội hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, TVPL đang đặt ra hiện nay.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>